Không thực hiện thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có được không?
10/05/2017 10:45
Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất
Mẹ em có làm một bản thỏa thuận chia phần tài sản thừa kế là 100 mét vuông đất cho con của dì em. Đồng thời có kèm theo điều kiện được ghi trên bản thỏa thuận là người con của dì phải rút đơn kiện, không được kiện lại và giao cho mẹ em số tiền là 30 triệu. Văn bản thỏa thuận này cả 2 bên đã ký. Ngoài ra, trước mặt nhiều người trong tổ thi hành án và người con của dì mẹ có nói miệng là thỏa thuận này chỉ có hiệu lực trong vòng 2 tháng, phải giao tiền 1 lần và xây hàng rào ngăn cách. Điều kiện nói miệng này người con của dì cũng đã đồng ý ngay lúc đó. Nhưng quá 3 tháng vì các lí do như: người con của dì không công chứng được giấy tờ, không giao đủ số tiền cũng như xây hàng rào ngăn cách. Nên mẹ em quyết định không thực hiện thỏa thuận nữa và chưa lấy bất cứ khoản tiền nào mà người con của dì đưa. Vậy việc mẹ em không thực hiện thỏa thuận trên có hợp pháp hay không và người con của dì em có thể kiện mẹ em không??
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 681 Bộ luật dân sự 2005:
"Điều 681. Họp mặt những người thừa kế
1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây:
a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
b) Cách thức phân chia di sản.
2. Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản"
Theo quy định tại Điều 681 Bộ luật dân sự 2005 thì thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là sự thỏa thuận của những người thừa kế để phân chia di sản, quyền và nghĩa vụ các bên, cách thức phân chia di sản. Việc mẹ bạn và con của gì bạn có tiến hành thỏa thuận với nhau, thì điều này được hiểu là các bên tham gia quan hệ hợp đồng trong hợp đồng đó có phần di sản thừa kế là 100m2 đất. Theo thỏa thuận bằng văn bản thì mẹ bạn sẽ chuyển quyền sử dụng 100m2 đất( di sản thừa kế) cho con của dì bạn với điều kiện con của dì bạn phải giao cho mẹ bạn 30 triệu đồng và không được khởi kiện. Ngoài ra, mẹ bạn có thỏa thuận bằng miệng thời hạn thực hiện hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất là 02 tháng và được con của dì bạn đồng ý.
Theo quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định:
“ Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.”
Ngoài ra theo quy định tại Điều 134 Bộ luật dân sự 2005 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức :
“Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.”
Ngoài ra như quy định tại Khoản 2 Điều 122 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
“Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định”
Theo thông tin bạn cung cấp thì hợp đồng giữa mẹ bạn và con của dì bạn không tiến hành thủ tục công chứng nên giao dịch này sẽ bị vô hiệu do không tuân thủ về hình thức .
Theo như Điều 137 Bộ luật dân sự 2005 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.”
Vì vậy, do giao dịch giữa mẹ bạn và con của dì bạn vô hiệu nên không phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, do vậy mẹ bạn không phải chuyển nhượng 100m2 đất cho con của dì bạn. Đồng thời, con của dì bạn cũng không có căn cứ để khởi kiện mẹ bạn vì không thực hiện theo hợp đồng giữa hai người.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.