Khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc
11/05/2017 17:32Bà ngoại để lại di chúc chia phần đất cho mẹ tôi và dì thứ năm. Chia đôi phần đất đó cho hai người. Giờ dì thứ năm giữ giấy tờ đất và đang ở Canada. Ngoại tôi đã mất được 2 năm rồi nhưng dì năm tôi không về Việt Nam và không chịu liên lạc. Vậy làm sao để chia đất theo lời di chú trong khi tất cả giấy tờ nhà đất điều do dì tôi ở nước ngoài giữ hết. Mong luật sư giúp tôi giải quyết vấn đề này. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Tại Điều 646, Bộ luật dân sự 2005 có quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
Căn cứ quy định trên, thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người khác còn sống theo quyết định của người đó trước khi chết được thể hiện trong di chúc. Nội dung cơ bản của chế định thừa kế theo di chúc là chỉ định người thừa kế và phân định tài sản, quyền tài sản cho họ, giao cho họ nghĩa vụ tài sản. Các cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng được hưởng thừa kế theo di chúc cần thực hiện theo đúng di chú, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo thông tin mà bạn cung cấp, bà ngoại bạn để lại di chúc chia đôi phần đất cho mẹ bạn và dì thứ năm. Tuy nhiên dì bạn lại nắm giữ hết giấy tờ nhà đất của bà ngoại bạn và đang ở Canada, không về Việt Nam đồng thời không chịu liên lạc. Như vậy, trong trường hợp này, để có thể chia đất theo lời di chú thì trước tiên, bằng các cách khác nhau, mẹ bạn cố gắng liên lạc để thuyết phục dì của bạn bàn giao các giấy tờ đó để thực hiện các thủ tục chia di sản theo quy định của pháp luật. Mẹ bạn có thể dựa vào căn cứ sau để thuyết phục dì của bạn: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không phải là tài sản, nếu không phải là người đứng tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền giao dịch thì các giao dịch liên quan cũng không có giá trị pháp lý. Vì vậy, dù có giữ giấy tờ nhà đất của người khác thì cũng không thể chiếm đoạt tài sản hoặc chuyển nhượng được. Nếu không thỏa thuận được thì mẹ bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết về việc chia di sản thừa kế theo thủ tục tố tụng dân sự bằng việc khởi kiện yêu cầu chia di sản. Thành phần hồ sơ khởi kiện bao gồm:
+ Đơn khởi kiện
+ Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ khẩu, Giấy giao nhận nuôi con nuôi.
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế.
+ Bản kê khai các di sản.
+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
+ Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong hộ tộc, biên bản giải quyết tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (nếu có).
Trong trường hợp này nếu dì của bạn vẫn không chấp nhận, ngoan cố không trả lại giấy tờ nhà đất thì mẹ bạn nên làm đơn trình chính quyền địa phương, yêu cầu xác nhận việc bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (do bị người khác chiếm giữ) và xin được cấp lại Giấy chứng nhận mới để hoàn thiện hồ sơ khởi kiện.
Thủ tục xin cấp lại Giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định tại Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Mẹ bạn có thể liên hệ với Phòng Tài nguyên môi trường cấp huyện để biết chi tiết. Trong quy trình sẽ có phần thông báo công khai việc bị mất Giấy chứng nhận, sau thời hạn theo quy định, có xác nhận việc mất Giấy chứng nhận, sẽ được cấp Giấy chứng nhận mới.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.