Hứa thưởng - Trường hợp thực tế
06/04/2017 15:02
Thưa luật sư, xin hỏi: A, B, C (đều 14 tuổi) là bạn thân cùng học lớp 9 tại trường THCS X. Tuy nhiên, khác với B và C siêng năng học hành, A lại lười nhác và biếng học. Vì vậy, A hay nhờ B và C chép bài hộ. Vào ngày 18/11/2016, cô giáo ra đề cương ôn tập để kiểm tra cuối kỳ.
Cũng vì lười nên A đã nhờ B soạn giúp các câu hỏi. Đồng thời hứa tặng cho B chiếc điện thoại Iphone 5s của mình. Sau khi soạn bài giúp bạn, B nhận được chiếc điện thoại Iphone 5s. Sau đó, B đã đem bán lại chiếc Iphone 5s cho cửa hàng của anh T được 2 triệu đồng. B dùng tiền này mời A và C đi ăn KFC hết 600 ngàn đồng. Số tiền còn lại được tiết kiệm để sau khi thi học kỳ sẽ ăn liên hoan. Một thời gian sau, mẹ A không thấy điện thoại của con đâu nên tra hỏi thì biết sự việc trên. Mẹ A rất giận nên tìm gặp mẹ của B để đòi lại điện thoại và có lời qua tiếng lại nên sinh ra mâu thuẫn giữa hai bên. Tuy nhiên, mẹ B cho rằng điện thoại đã bán thì không đòi lại được, chỉ cần trả 400 ngàn tiền thừa (sau khi bán điện thoại và ăn uống, A cũng có tiêu xài tiền cùng với B và C). Xin đưa ra hướng giải quyết theo đúng luật ?
Cảm ơn luật sư.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung vấn đề bạn đang thắc mắc Công ty luật Bảo Chính tư vấn như sau:
Vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Như bạn trình bày thì A và B đều 14 tuổi. A đã nhờ B soạn bài hộ và đổi lại A sẽ hứa cho B một chiếc điện thoai Iphone 5s . Sau khi cho điện thoại xong, B đã đến cửa hàng của anh T để bán với giá 2tr. Sau đó B lấy một phần số tiền này mời A và C ăn uống. Sau khi mẹ của A biết sự việc thì đã đến nhà của B đề đòi lại chiếc điện thoại. Như vậy, các vấn đề pháp lý liên quan đến giao dịc chiếc điện thoại này được pháp luật quy định như sau:
Căn cứ Bộ luật dân sự 2015:
Điều 21. Người chưa thành niên
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Điều 570 : Hứa thưởng
1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.
2. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Căn cứ luật giáo dục 2005 quy định:
Điều 88: Các hành vi người học không được làm.
Người học không được có các hành vi sau đây:
2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh;
Như vậy, từ tình huống và căn cứ nêu trên cho thấy rằng việc A hữa thưởng cho B một chiếc Iphone 5s. Để nhằm mục đích nhờ B làm bài hộ cho A. Tức hành vi ở đây của B là làm thay nghĩa vụ của A. Kết quả mà A có được là từ B chứ không phải do A làm ra. Nên hành vi của A và B thuộc trường hợp gian lận trong học tập.
Căn cứ vào khoản 2 điều 570 của Bộ luật dân sự 2015 thì việc hứa thưởng của A đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Nên việc hứa thưởng này không có giá trị pháp lý. Do đó giao dịch giữa A và B là vô hiệu.
Nhưng trong trường hợp này cả A và B đều có lỗi trong giao dịch này nên việc trả lại hoàn toàn giá trị chiếc điện thoại là không thể. Hơn nữa chiếc điện thoại là động sản không đăng ký quyền sở hữu đã được bán cho người thứ ba ngày tình thì căn cứ. Bộ luật dân sự 2015 quy định: Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu 1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.”
Do đó việc đòi lại chiếc điện thoại này từ Anh T cũng không thể.
Hướng giải quyết:
Trong trường hợp này , được xác định là lỗi của cả bên A và bên B nên được thỏa thuận trên cơ sở có lỗi của hai bên. Còn chiếc điện thoại thì thuộc quyền sở hữu của anh T.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 1900 6281
Trân trọng!