Hợp đồng vai tài sản và vấn đề lãi suất
27/04/2017 14:20Tôi có mượn bên tài chính homeredit số tiền 20.000.000 đồng, lãi và gốc cho 17 tháng với tổng số tiền đã đóng lên đến 43.600.000 đồng còn 1 tháng nữa là hết hợp đồng số tiền phải đóng 2.586.000 đồng nhưng tôi thấy số tiền mình mượn và trả đã chênh lệch rất nhiều nên tôi không đóng nữa bên ngân hàng cho người gọi điện làm phiền cả ngày lẫn đêm còn dọa thưa ra chính quyền xin luật sư tư vấn dùm như vầy tôi co thể bị gì không?
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2005 thì quan hệ hợp đồng vay tài sản sẽ được xác lập trên cơ sở của việc vay mượn giữa các cá nhân với nhau, được quy định cụ thể tại Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2005:
"Điều 471. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định."
Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về lãi suất như sau:
"Điều 476. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ."
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có mượn bên tài chính homeredit số tiền 20.000.000 đồng, lãi và gốc cho 17 tháng với tổng số tiền đã đóng lên đến 43.600.000 đồng còn 1 tháng nữa là hết hợp đồng số tiền phải đóng 2.586.000 đồng. Tuy nhiên bạn lại không nói rõ là homeredit cho bạn vay với lãi suất bao nhiêu. Do đó từ số tiền bạn vay là 20.000.000 đồng có thể suy ra tổng tiền lãi bạn phải trả cho 17 tháng là 26.186.000 đồng. Điều đó đồng nghĩa với số tiền lãi khoảng trên 51.000 đồng mỗi ngày, từ đó có thể thấy lãi suất của homeredit vẫn thấp và Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng quy định về lãi suất của các tổ chức tín dụng như sau:
"Điều 91. Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng
1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng."
Như vậy có thể khẳng định homeredit đã đưa ra mức lãi suất theo quy định mà không phải là cho vay nặng lãi theo như Điều 163 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:
"Điều 163. Tội cho vay lãi nặng
1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Theo quy định của điều luật trên, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:
Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên.
Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Vì thời hạn bạn vay là 17 tháng nên số tiền bạn mượn và trả chênh lệch như vậy không có gì là lạ nên bạn không đóng nữa bên ngân hàng cho người gọi điện làm phiền cả ngày lẫn đêm còn dọa thưa ra chính quyền là đúng và khi đó bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm dân sự, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy bạn nên thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với ngân hàng.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!