Hợp đồng thuê nhà ở có bắt buộc phải công chứng, chứng thực hay không?
10/05/2017 11:15
Chào Luật sư!
Em thuê nhà ở ký kết hợp đồng 12 tháng, nhưng không có chứng thực chỉ là thoả thuận giữa 2 bên, lúc đến ở ký hợp đồng em nghĩ đơn giản không ở nữa thì báo trước và chuyển như những nơi em từng ở. Em ở được 1 tháng, 1 phần vì em không đủ kinh tế để ở, một phần vì chủ nhà giữ khoá phòng và thỉnh thoảng vào phòng mà không hỏi ý kiến của em, vì phòng có 2 chị em gái nên em không yên tâm ở đó. Giờ em muốn chấm dứt hợp đồng đơn phương em có lấy tiền lại được không? Hợp đồng có viết sẽ trả lại khi thanh lý hợp đồng, và khi ở hết 12 tháng nếu em không ở thì phải báo trước 1 tháng.
Vậy luật sư cho em hỏi. Nếu em muốn đơn phương huỷ, em báo trước 1 tháng, nếu chủ trọ không đồng ý và vẫn lấy số tiền cọc của em thì em phải làm sao. Hợp đồng 12 tháng không có chứng thực và ở đây 1 tháng cũng không đăng ký tạm trú tạm vắng cho em? Vậy trên pháp luật nếu ông ấy không trả tiền em có quyền đưa ra cơ quan nhà nước không? Vì theo một số thông tin em đọc thì ký hợp đồng trên 6 tháng phải có chứng thực, nếu không có thì hợp đồng không có hiệu lực, và thứ 2 là ông chủ không đăng ký tạm trú tạm vắng cho em và chị gái em, thứ 3 là trong hợp đồng có ghi sau khi hết thời hạn em không muốn ở thì báo trước 1 tháng, nhưng không có điều nào có mục huỷ hợp đồng trước thời hạn.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Thứ nhất, hợp đồng thuê nhà ở có bắt buộc phải công chứng, chứng thực hay không?
Căn cứ Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2014 có quy định như sau: “Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.”
Như vậy, việc công chứng, chứng thực hợp đồng thuê nhà ở sẽ được thực hiện theo Luật Nhà ở 2014, theo đó thì việc công chứng, chứng thực hợp đồng là không bắt buộc, chỉ thực hiện theo nhu cầu của các bên.
Thứ hai, về việc chủ nhà trọ không đăng ký tạm trú cho người thuê trọ.
Căn cứ Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:
"1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; […]”
Như vậy, theo quy định, thì cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú có thể bị phạt đến 300.000 đồng; việc phạt áp dụng đối với cả cá nhân và chủ hộ. Trong trường hợp này, chủ hộ cho thuê trọ không thực hiện việc đăng ký tạm trú cho người thuê trọ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Thứ ba, về vấn đề đơn phương chấn dứt hợp đồng
Bộ luật dân sự 2015 quy định đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở như sau:
Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
“1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
4. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.
5. Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.”
Như vậy, trước tiên bạn xem lại trong hợp đồng thuê nhà của bạn về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà, bạn phải thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
Nếu trong hợp đồng không quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định trên đồng thời báo trước cho chủ nhà biết trước một tháng.
Đối với số tiền đặt cọc, nếu hai bên có thỏa thuận trong hợp đồng về việc bên thuê chấm dứt trước thời hạn sẽ trả lại số tiền đặt cọc thì bạn sẽ nhận lại được số tiền đặt cọc. Nếu không thỏa thuận trong hợp đồng thì bạn sẽ không được nhận lại số tiền cọc.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.