Hợp đồng buôn bán thức ăn gia súc
27/04/2017 15:33
Tôi có hợp đồng buôn bán thức ăn gia súc với chị C, theo hợp đồng thỏa thuận bằng miệng giữa 2 bên khi chị C bán heo thì phải thanh toán tiền hàng cho tôi. Nhưng chị nói là cho chị nợ lại để bầy heo kế tiếp rồi chị sẽ thanh toán 1 lần luôn. Tôi cũng tin tưởng và quyết định cho chị C nợ lại và tiếp tục giao hàng cho chị lần nuôi thứ 2, nhưng đến lần xuất chuồng này thì chị cũng hẹn lần 3 để trả. Tôi không đồng ý. Bắt buộc vợ chồng chị C làm biên bản xác nhận nợ và giao hẹn ngày trả. Chị C thiếu toi tổng cộng là 175 triệu, 15 ngày sau kể từ ngày làm biên bản chị sẽ trả tôi là 40 triệu, 15 ngày kế tiếp là 40 triệu, phần tiền còn lại tôi sẽ cho chị C trả dần trong 2 tháng tiếp theo. Nhưng đến ngày chị chỉ trả cho tôi 20 triệu, chị C vẫn hẹn ngày này qua ngày khác không có thiện chí để trả tiền cho tôi. Theo tôi được biết chị C có tranh chấp đất đai với người ông N và toà án giải quyết chị C thắng và ông N này phải hoàn trả tiền cho chị C là 230 triêu.
Luật sư cho tôi hỏi là tôi phải làm đơn như thế nào và tôi có thể làm đơn đề nghị toà án lấy tiền của ông N trả cho chị C để trả cho tôi thay cho việc tôi sẽ lấy phần tiền mà chị C nợ mình không trả được không?
Cảm ơn luật sư!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo Điều 401 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Hình thức hợp đồng dân sự.
"Điều 401. Hình thức hợp đồng dân sự
1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Bên cạnh đó, theo Điều 428 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Hợp đồng vay tài sản
"Điều 471. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định."
Theo hợp đồng thỏa thuận bằng miệng giữa 2 bên khi chị C bán heo thì phải thanh toán tiền hàng cho bạn. Nhưng chị nói là cho chị nợ lại để bầy heo kế tiếp rồi chị sẽ thanh toán 1 lần luôn nhưng đến lần xuất chuồng này thì chị cũng hẹn lần 3 để trả. Chị C thiếu bạn tổng cộng là 175 triệu. 15 ngày sau kể từ ngày làm biên bản chị C sẽ trả là 40 triệu, 15 ngày kế tiếp là 40 triệu, phần tiền còn lại chị C trả dần trong 2 tháng tiếp theo. Nhưng đến ngày chị chỉ trả 20 triệu, chị C vẫn hẹn ngày này qua ngày khác không có thiện chí để trả tiền.
Khi đến hạn mà bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bên vay đã vi phạm hợp đồng - chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.Bạn có quyền khởi kiện chị C vì lý do vi phạm hợp đồng vay tài sản khi không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Điều 474 Bộ luật dân sự năm 2005:
"Điều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ."
Nếu đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì chị C đó có thể bị cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sủa đổi bổ sung 2009.
Theo thông tin bạn cung cấp thì với những tình tiết trên vẫn chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
"Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Theo Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Quyền khởi kiện vụ án.
"Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình".
Về hình thức, nội dung đơn khởi kiện quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
"Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.
2. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
c) Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
3. Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.
4. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án".
Bạn cần thực hiện đúng theo quy định pháp luật về hình thức và nội dung đơn khởi kiện. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của bạn. Trường hợp vì lý do khách quan mà không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp. Bạn bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Vấn đề gửi đơn khởi kiện đến Tòa án tại Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
"Điều 190. Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án
1. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;
b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
2. Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi.
Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Đương sự phải chứng minh ngày mình gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.
3. Trường hợp người khởi kiện gửi đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.
4. Trường hợp chuyển vụ án cho Tòa án khác theo quy định tại Điều 41 của Bộ luật này thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Tòa án đã thụ lý nhưng không đúng thẩm quyền và được xác định theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này".
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ quy định tại Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
"Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết".
Vì vậy, bạn có thể làm đơn khởi kiện đòi nợ chị C tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chị C (bị đơn) cư trú để yêu cầu hoàn trả số tiền chậm trả. Bạn phải gửi kèm theo đơn khởi kiện những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ, hợp pháp. Cụ thể, trong trường hợp của bạn thì hồ sơ khỏi kiện bao gồm: Đơn khởi kiện (theo mẫu); Bản photo công chứng chứng minh nhân dân của bạn; Bản photo giấy biên nhận và giấy nhận nợ (khi nào Tòa án yêu cầu trình giấy biên nhận và giấy nhận nợ bản gốc để đối chiếu thì mới trình bản gốc cho Tòa xem).
Theo bạn được biết chị C có tranh chấp đất đai với người ông N và toà án giải quyết chị C thắng và ông N này phải hoàn trả tiền cho chị C là 230 triệu. Đây là tranh chấp giữa chị C và ông T. Bạn cũng không phải là người có liên quan trong vụ tranh chấp này nên sẽ không tham gia trong quá trình xét xử và giải quyết.
Bạn chỉ có quyền yêu cầu chị C trả lại tiền cho bạn trong trường hợp buôn bán thức ăn cho gia súc. Nếu bạn gửi đơn đến Tòa án và đã được giải quyết. Khi Bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì bạn có các quyền sau: tại Khoản 1 Điều 7 Luật số 64/2014/QH13 của Quốc hội luật sửa đổi bổ sung luật thi hành án dân sự quy định.
"1. Người được thi hành án có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này;
b) Được thông báo về thi hành án;
c) Thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án;
d) Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án;
đ) Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;
e) Không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện;
g) Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ;
h) Ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
i) Chuyển giao quyền được thi hành án cho người khác;
k) Được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
l) Khiếu nại, tố cáo về thi hành án".
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.