Hỏi về quyền và nghĩa vụ của người giám hộ.
10/05/2017 09:40
Xin luật sư cho biết.
Hai vợ chồng tôi đã có một con bây giờ đã chia tay nhau và vợ tôi đã lấy chồng khác có 1 con nữa, bây giờ vợ cũ tôi đã chết không để lại di chúc và ngân hàng có gọi bảo tôi là người giám hộ cho con tôi. Con tôi ở cùng ông bà ngoại, tất cả tiền ăn học tôi đều chu cấp, nhưng tài sản của con tôi ông bà ngoại đều dùng hết, vậy đúng hay sai? Vậy quyền giám hộ của tôi có giá trị gì trong tài sản được thừa kế của con tôi không?
Xin cảm ơn.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Trong trường hợp này, vợ cũ của bạn không để lại di chúc nên di sản để lại sẽ được chia theo pháp luật. Cụ thể, di sản sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thuộc cùng một hàng thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau.
Theo quy định Bộ luật dân sự, bạn là người đại diện theo pháp luật cho con bạn. Điều 58 Bộ luật Dân sự 2015, người giám hộ có quyền như sau:
+) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ;
+) Được thanh toán các chi phí cần thiết cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
+) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Về tài sản của người được giám hộ:
+) Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình.
+) Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.
+) Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Như vậy, việc ông bà ngoại sử dụng hết tài sản của con bạn là không có căn cứ bởi bạn là người giám hộ, là người có quyền quản lí tài sản của con bạn. Mọi giao dịch liên quan đến tài sản của con bạn phải đảm bảo quyền lợi cho con của bạn, không được sử dụng vào mục đích cá nhân riêng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.