Hiệu trưởng đe dọa giáo viên có vi phạm luật giáo dục không?
04/05/2017 17:39Chào luật sư! Tôi là 1 giáo viên trường Trung học cơ sở, vào đầu năm học hiệu trưởng của trường có họp giáo viên chủ nhiệm là sẽ ủng hộ cho các em học sinh đặc biệt khó khăn mỗi người một chiếc xe đạp và nếu lớp nào có học sinh được nhận xe đạp thì hiệu trưởng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp đó vận động học sinh lớp mình đóng tiền ủng hộ 50% giá tiền xe.Tôi thấy điều này là áp đặt nên đã có ý kiến trong cuộc họp chủ nhiệm, nhưng hiệu trưởng đã quát nạt tôi trong cuộc họp đó.Và sau đó còn nói với người quản lý tổ tôi là nói với tôi rằng "nếu muốn dạy trường này thì phải tuân theo, không thì chuyển sang trường khác dạy" . Tôi xin luật sư tư vấn dùm là hành vi và thái độ của hiệu trưởng đối với giáo viên như vậy là đúng không, có phạm luật giáo dục không? Tôi có thể thưa kiện vì hành vi đó được không ? Xin cảm ơn ạ
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Hành vi quát nạt, đe dọa đuổi việc bạn của hiệu trưởng tùy vào mức độ, tính chất mà có thể vi phạm pháp luật hình sự, dân sự..
Bộ Luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 có quy định tội làm nhục người khác.
“Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Bộ Luật Dân sự 2005 cũng quy định quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, bất cứ cá nhân tổ chức nào cũng không được xâm phảm, hủy hoại danh dự, nhân phẩm của người khác, việc xúc phạm danh dự mà gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
“Điều 37. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”
Luật giáo dục 2005 quy định về quyền của nhà giáo đó là được bảo vệ danh dự nhân phẩm cụ thể hành vi quát nạt, đe dọa của hiệu trường với bạn vì bạn đã nêu ý kiến về việc quyên góp tặng xe là áp đặt là xúc phạm danh dự, nhận phẩm của bạn, và hành vi này vi phạm quy định của pháp luật.
“Điều 73. Quyền của nhà giáo
Nhà giáo có những quyền sau đây:
1. Được giảng dạy theo chuyên ngành đào tạo;
2. Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;
3. Được hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học tại các trường, cơ sở giáo dục khác và cơ sở nghiên cứu khoa học với điều kiện bảo đảm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ nơi mình công tác;
4. Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự;
5. Được nghỉ hè, nghỉ Tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật lao động.”
Do đó, bạn có thể yêu cầu hiệu trưởng không được có hành vi xúc phạm danh dự và nhận phẩm của anh nữa. Nếu trong trường hợp Hiệu trưởng vẫn có hành vị xúc phạm đe dọa anh thì anh có thể làm đơn kiến nghị, phản ánh về hành vi của hiệu trưởng gửi đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.