Hai người thân trong gia đình cũng đăng ký là người giám hộ cho cháu chưa thành niên có được không?
13/05/2017 09:13Cho em hỏi: Tình huống sau: Bà Chim (sinh năm 1923) và ông Mừng (chết năm 1957) có ba người con là Rảnh (sinh năm 1954), Rang (sinh năm 1955) và Rồi (sinh năm 1957). Bà Rồi chưa có chồng nhưng có hai con là Thanh (sinh năm 2005) và Thi (sinh đầu năm 1993 và bị câm điếc). Năm 2009, bà Rồi chết trong một tai nạn giao thông và để lại một số tài sản trong đó có căn nhà tại số 7/1S Quang Trung. Năm 2010, Tòa án xác định bà Chim mất năng lực hành vi dân sự do cao tuổi và UBND Phường đã công nhận bà Rảnh là giám hộ cho bà Chim, chị Thi và cháu Thanh. Năm 2011, ông Rang yêu cầu thay đổi người giám hộ (ông giám hộ thay cho bà Rảnh) để được quản lý căn nhà trên và tranh chấp phát sinh. Ông Rang và bà Rảnh có thể cùng là người giám hộ cho cháu Thanh không? Vì sao?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 (hiệu lực áp dụng đến hết 31/12/2016) quy định về vấn đề giám hộ, xác định những người được giám hộ gồm:
+ Bà Chim (mẹ) đã được Tòa án xác định là mất năng lực hành vi dân sự
+ Thi bị câm điếc
+ Thanh sinh năm 2005 chưa thành niên
Điều 61. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:
1. Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;
2. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ. »
Mặt khác, Rảnh là con cả, Rang là con thứ hai theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 thì Rảnh sẽ là giám hộ cho bà Chim
Điều 62. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ… »
Đối với Thanh căn cứ theo Khoản 4 Điều 58 Bộ luật dân sự 2005 về nguyên tắc một người có thể giám hộ cho nhiều người, nhưng một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp người giám hộ là cha, mẹ hoặc ông, bà. Theo đó cháu Thanh không đồng thời được cả hai người giám hộ.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.