Giao dịch dân sự và việc bị giả mạo chữ ký
27/04/2017 15:08
Tôi có đứng tên vay một khoản tiền của công ty tài chính F thuộc V số tiền tôi thực nhận là 26 triệu đồng. Tôi đã được nhận số tiền này. Tuy nhiên vào ngày nhận tiền tôi không nhận được hợp đồng tín dụng.
Khoảng gần 1 năm tôi muốn tất toán hợp đồng trước hạn thì thấy phía công ty thông báo số tiền tất toán quá lớn. Nên tôi đã yêu cầu bên phía công ty gửi cho tôi bản scan hợp đồng tín dụng của tôi vì tôi chưa nhận đc bất cứ hợp đồng nào thì phía công ty có gửi cho tôi bản hợp đồng không phải chữ ký của tôi. Và số tiền vay quá lớn, lúc ký hợp đồng tôi sơ suất không chú ý đến số tiền vay bao nhiêu, mà chỉ nhớ tầm 50 triệu, sau khi tất toán hợp đồng cũ thì tiền tôi thực nhận là 26 triệu đồng, mà phía công ty bảo tôi mượn số tiền 69 triệu đồng, bản hợp đồng không phải chữ ký của tôi. May là tôi vẫn giữ bản scan hợp đồng trước của tôi và đã gửi cho bên công ty đối chiếu chữ ký xem xét. Chữ ký và chữ viết họ và tên khác xa và hoàn toàn không phải chữ ký của tôi.
Tôi có phản ảnh lên quý công ty thì công ty trả lời đang chuyển giao hồ sơ lên phòng điều tra và chờ phản hồi. Thì hôm qua lúc gần 8h sáng có một bạn bên nhắc nợ điều tra đến nhắc đã đến hạn đóng tiền hàng tháng tôi cũng đã bảo với bạn nhắc nợ vụ việc trên nhưng bạn kia lại tỏ thái độ và nói chuyện kiểu đe dọa, dọa dẫm với tôi.
Đang bức xúc vụ việc bị giả mạo chữ ký trên cộng với chuyện này nữa tôi muốn kiện công ty trên.
Vậy tôi kính trọng nhờ luật sư tư vấn giúp tôi vụ này được không ạ? Cho tôi hỏi trong trường hợp này bên nào sai? Và tôi sẽ không có trách nhiệm gì trên bản hợp đồng tín dụng do tôi không ký đúng không ạ?
Cám ơn luật sự ạ!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Điều 122. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Căn cứ vào quy định trên, Điều 122 Bộ luật dân sự 2005 đã quy định một giao dịch dân sự có hiệu lực khi thỏa mãn các điều kiện trên. Nếu vi phạm một trong các điều kiện đó, giao dịch dân sự đó vô hiệu. Như vậy, giao dịch dân sự phải được hình thành dựa trên sự tự nguyện của các bên. Mặt khác hình thức giao dịch cũng là một điều kiện có hiệu lực của giao dịch.
Trường hợp của bạn có thể thấy, giao dịch vay tín dụng của bạn đã vi phạm một số điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Cụ thể là:
Thứ nhất, giao dịch hình thành chưa dựa trên sự tự nguyện của các bên, bằng chứng là bạn chưa ký vào hợp đồng tín dụng đã giao dịch.
Thứ hai, Điều 17 quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN Về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng quy định: "Việc cho vay của tổ chức tín dụng và khách hàng vay phải được lập thành hợp đồng tín dụng" . Như vậy, hình thức cũng là một điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Giao dịch phải được lập thành hợp đồng ( văn bản) thì mới có hiệu lực pháp luật.
Điều 17. Hợp đồng tín dụng
Việc cho vay của tổ chức tín dụng và khách hàng vay phải được lập thành hợp đồng tín dụng.Hợp đồng tín dụng phải có nội dung về điều kiện vay, mục đich sử dụng vốn vay, phương thức cho vay, số vốn vay, lãi suất, thời hạn cho vay, hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm, phương thức trả nợ và những cam kết khác được các bên thoả thuận.
Do đó, trong trường hợp của bạn, giao dịch trên là vô hiệu do vi phạm hình thức và sự tự nguyện của giao dịch theo quy định tại điều 134 Bộ luật dân sự 2005.
Điều 134. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.
Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Khi giao dịch bị coi là vô hiệu thì không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên và khôi phục lại tình trạng ban đầu tại thời điểm xác lập, bạn sẽ phải trả lại cho tổ chức tín dụng nơi bạn giao dịch những gì bạn đã nhận tại thời điểm xác lập giao dịch đó.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.