Giao dịch dân sự và rủi ro khi giao kết bằng miệng
06/04/2017 16:48
Mong luật sư giúp tôi tình huống sau: Tháng 10 năm 2004, chị A mua xe máy Honda dream II của Đại lý X. Tuy nhiên, do chị đã đứng tên một xe máy wave & nên chị không thể đăng ký và đứng tên thêm một xe máy nữa. Để lách luật, chị nhờ anh B là anh họ đứng tên trên hợp đồng mua bán và đứng tên trên giấy đăng ký xe hộ.
Vì tin tưởng anh họ nên việc nhờ vả chỉ được thực hiện bằng miệng chứ không có bất cứ giấy tờ nào được viết ra. Tháng 5 năm 2005, chị A điều khiển xe máy vi phạm luật giao thông đường bộ nên xe của chị đã bị tạm giữ 15 ngày theo quy định.
Đến ngày hẹn lấy xe, chị A nhờ anh B đến lấy xe hộ vì đăng ký xe mang tên anh B. Sau khi lấy xe về, anh B đã mượn chị A để sử dụng và hứa trả sau 3 ngày. Tuy nhiên, sau khi hết hạn 3 ngày, chị A vẫn không thấy anh B trả xe nên đã sang nhà để lấy. Lúc này anh B nhất định không trả vì cho rằng xe của mình theo giấy đăng ký xe. Hai bên xảy ra tranh chấp.
Hỏi:
1. Xét về bản chất, giao dịch giữa A và B là loại giao dịch gì? Hãy xác định ai là chủ sở hữu của chiếc xe máy?
2. Giả sử khi trả tiền mua xe, chị A là người trả và phiếu thu chị vẫn còn giữ và người trả tiền là chị A. Vậy chị A có thể kiện đòi lại chiếc xe máy không? Các phương thức khởi kiện mà chị A có thể áp dụng để bảo vệ quyền sở hữu của mình?
3. Khi xây dựng một tình huống về giao dịch dân sự có điều kiện ( với điều kiện phát sinh hiệu lực hay hủy bỏ hiệu lực của giao dịch) thì mình nên làm như thế nào ạ? Và các yếu tố mà điều kiện trong giao dịch phải thỏa mãn là gì?
Em mong anh chị giúp đỡ. Em xin cảm ơn!
Chào bạn!
Công ty Luật Bảo Chính đã nhận được câu hỏi của bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi tới công ty.
Vấn đề của bạn, Công ty xin giải đáp như sau:
1. Xét về bản chất, giao dịch giữa A và B là loại giao dịch gì? Hãy xác định ai là chủ sở hữu của chiếc xe máy?
Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự." A thỏa thuận nhờ B đứng tên đăng ký xe máy hộ A nên giao dịch giữa A và B là giao dịch dân sự thông thường.
2. Giả sử khi trả tiền mua xe, chị A là người trả và phiếu thu chị vẫn còn giữ và người trả tiền là chị A. Vậy chị A có thể kiện đòi lại chiếc xe máy không? Các phương thức khởi kiện mà chị A có thể áp dụng để bảo vệ quyền sở hữu của mình?
Về mặt pháp lý, Giấy đăng ký xe là giấy tờ Nhà nước cấp cho chủ sở hữu xe để công nhận quyền sở hữu của người đó đối với chiếc xe. Giấy đăng ký xe là giấy tờ chứng minh quyền tài sản và là căn cứ để chủ sở hữu xe thực hiện các quyền của chủ sở hữu. Theo đó, ai là người đứng tên trên giấy tờ đăng ký xe thì sẽ là chủ sở hữu của chiếc xe. Còn phiếu thu chỉ chứng minh người thanh toán chứ không có giá trị chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản được mưa bán. Như vậy, về mặt pháp lý, B là người đứng tên trên giấy tờ đăng ký xe, nên chiếc xe thuộc quyền sở hữu của B.
Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản."
Giao dịch giữa chị A và anh B được giao kết bằng lời nói, vì vậy, vẫn có hiệu lực pháp luật. Chị A là chủ sở hữu xe máy, chị chỉ nhờ anh B đứng tên trên giấy đăng ký xe hộ nên chiếc xe vẫn thuộc quyền sở hữu của chị A. Vì vậy, chị A có quyền thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Chị A có thể áp dụng hình thức khởi kiện để bảo về quyền sở hữu của mình:
Cách 1: Chị A có quyền khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự:
Khoản 1 Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
"Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.".
Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
"Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại."
Do đó, nếu anh B vẫn không trả lại xe máy cho chị A thì chị A có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi anh B cư trú để yêu cầu anh B trả lại xe máy cho mình. Tuy nhiên, chị A phải có đủ bằng chứng để chứng minh giao dịch nhờ đứng tên mua xe máy giữa chị A và anh B à chị mới là chủ sở hữu chiếc xe.
Cách 2: Tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự:
Theo như thông tin bạn cung cấp, anh B đã mượn chị A xe máy để sử dụng và hứa trả sau 3 ngày. Tuy nhiên, sau khi hết hạn 3 ngày, chị A vẫn không thấy anh B trả xe nên đã sang nhà để lấy. Lúc này anh B nhất định không trả vì cho rằng xe của mình theo giấy đăng ký xe. Như vậy, theo quy định tại BLHS anh B có thể bị truy tố về tội danh lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của chị A tại Khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 như sau:
"Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản."
Theo quy định trên thì hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.
Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ bốn triệu đồng trở lên thì mới phạm vào tội này, nếu dưới bốn triệu đồng thì phải hội đủ các điều kiện khác của điều luật như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chiếc xe máy của chị A giá trị chắc chắn lớn hơn 4 triệu đồng và giữa anh B và chị A có xác lập hợp đồng mượn tài sản nhưng sau khi kết thúc thời hạn mượn, anh B gian dối xe đó là của mình và không trả lại xe cho chị A.
Theo quy định tại điều 101 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: "Tố giác và tin báo về tội phạm:
Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.
Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản."
Sau khi gửi đơn tố giác, chị A có nghĩa vụ cung cấp mọi thông tin đúng sự thật cho cơ quan điều tra nếu cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án theo đơn tố giác nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Sau khi xử lí về hình sự, tòa án sẽ giải quyết yêu cầu về mặt dân sự cho chị A. Và đương nhiên chị A phải đưa ra được các căn cứ để chứng minh quyền sở hữu tài sản của mình.
3. Khi xây dựng một tình huống về giao dịch dân sự có điều kiện ( với điều kiện phát sinh hiệu lực hay hủy bỏ hiệu lực của giao dịch) thì mình nên làm như thế nào ạ? Và các yếu tố mà điều kiện trong giao dịch phải thỏa mãn là gì?
Điều 120 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Giao dịch dân sự có điều kiện
1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.
2. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra."
Như vậy, sự khác biệt giữa giao dịch dân sự thông thường và giao dịch dân sự có điều kiện là ở điều kiện để giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ. Do đó, trước khi xây dựng tình huống về giao dịch dân sự có điều kiện, bạn nên xây dựng một giao dịch dân sự trước rồi sau đó, đặt điều kiện để giao dịch đó phát sinh hoặc chấm dứt.
Các yếu tố mà điều kiện trong giao dịch phải thỏa mãn đó là điều kiện đó không trái pháp luật, và điều kiện đó xảy ra phải do yếu tố khách quan.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng!