Giám hộ và một số vấn đề liên quan
25/04/2017 14:28
Kính chào Luật Bảo Chính ! Hoàn cảnh gia đình tôi tóm tắt như sau: Năm 2000, tôi chung sống không ĐKKH và có 2 con trai lần lượt sinh năm 2001 và 2002. Đến năm 2006 mẹ các cháu bỏ đi. Năm 2009 tôi tìm gặp được mẹ các cháu làm thủ tục nhận cha và bổ sung tên bố (tôi) vào Giấy khai sinh của 2 cháu, đồng thời nhập hộ cho 2 cháu vào hộ khẩu nhà tôi do mẹ tôi làm chủ hộ. Nay tôi là người đứng tên chủ hộ (do bố mẹ tôi đã mất).
Hiện mẹ 2 cháu, theo nguồn tin từ người nhà (bên ngoại) đang sống và làm ăn tại Thái Nguyên. Từ lúc bỏ đi năm 2006 đến nay, tôi là người chăm sóc nuôi dưỡng 2 cháu. Mẹ 2 cháu chưa bao giờ đóng góp hay cho tiền 2 cháu. Năm 2009, tôi ĐKKH với vợ mới và năm 2010 sinh 1 cháu trai. Từ lúc ĐKKH đến nay 2 mẹ con thường trú tại nhà bố mẹ đẻ (Ninh Bình). Do chưa chuyển được công tác về Hà Nội (vợ tôi là giáo viên THCS), và cũng vì bố mẹ đẻ của vợ tôi tuổi cao, sức khỏe yếu, nên tôi đồng ý 2 mẹ con ở với ông bà ngoại. Hàng năm, dịp hè và Tết Nguyên Đán thì 2 mẹ con lại về nhà tôi. Tài sản chung của vợ chồng tôi là không có. Căn nhà tôi vẫn đang ở là của bố mẹ tôi để lại cho tôi sau khi ông bà mất. Nay, vì lý do sức khỏe của tôi suy yếu nên tôi muốn cử người giám hộ cho 2 con trai lớn (đã có với vợ đầu). Kính mong Quý LMK tư vấn giúp phương án khả thi nhất có thể: Cử người bạn thân của tôi làm giám hộ và quản lý tài sản,... cho đến khi 2 cháu đủ 18 tuổi; Cử người bạn thân của tôi làm giám hộ và quản lý tài sản,... cho đến khi 2 cháu đủ 24 tuổi (khi đó có thể 2 cháu đã tốt nghiệp đại học). Tôi không muốn giao 2 con trai lớn và tài sản của riêng tôi cho bất kỳ người vợ nào, dù là vợ cả hay vợ hai. Liệu tôi có thể làm theo mong muốn của tôi được không?
Trân trọng cảm ơn.
Điều 58 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
"Điều 58. Giám hộ
1. Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
2. Người được giám hộ bao gồm:
a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;
b) Người mất năng lực hành vi dân sự.
3. Người chưa đủ mười lăm tuổi được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và người được quy định tại điểm b khoản 2 Điều này phải có người giám hộ.
4. Một người có thể giám hộ cho nhiều người, nhưng một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp người giám hộ là cha, mẹ hoặc ông, bà theo quy định tại khoản 2 Điều 61 hoặc khoản 3 Điều 62 của Bộ luật này."
Trong đó Điều 18 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về người chưa thành niên như sau:
"Điều 18. Người thành niên, người chưa thành niên
Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên."
Theo quy định trên thì hai con trai của bạn lần lượt sinh năm 2001 và 2002 là người chưa thành niên nên vẫn phải có người giám hộ. Tuy nhiên việc xác định người giám hộ được thực hiện theo thứ tự là người giám hộ đương nhiên, nếu không có người giám hộ đương nhiên thì cử người giám hộ. Cụ thể dựa vào các Điều 61 và 63 Bộ luật Dân sự 2005 sau đây:
"Điều 61. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:
1. Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;
2. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ."
"Điều 63. Cử người giám hộ
Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật này thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ."
Ngoài ra điều kiện của người giám hộ được quy định tại Điều 60 Bộ luật Dân sự 2005 như sau:
"Điều 60. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ."
Như vậy, người giám hộ cho 2 con trai lớn đương nhiên là mẹ của hai cháu. Hai cháu chỉ có thể có người giám hộ cử trong trường hợp người chưa thành niên không có người giám hộ đương nhiên hoặc khi chứng minh được mẹ hai cháu không có điều kiện chăm sóc, giáo dục hai cháu thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ (căn cứ theo quy định tại Điều 63 Bộ luật dân sự 2005) và phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.
Điều 64 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
"Điều 64. Thủ tục cử người giám hộ
1. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
2. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ"
Như vậy, sau khi cử người giám hộ thì phải lập thành văn bản, văn bản này cần phải có chữ ký của người cử giám hộ. Sau khi lập thành văn bản bạn cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ sau để nộp lên UBND cấp phường, xã để đăng ký giám hộ:
- Giấy cử giám hộ;
- Bản chính giấy CMND, hộ khẩu của người giám hộ, người cử giám hộ và người được giám hộ;
- Bản chính giấy tờ chứng minh điều kiện của người giám hộ;
- Bản chính giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người giám hộ với người được giám hộ và người cử giám hộ.
Còn bạn không có quyền trong việc cử bạn thân của bạn làm người giám hộ cho các con của mình mà việc cử người giám hộ trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên sẽ do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.
Bên cạnh đó vì bạn chỉ tin tưởng bạn thân của mình nên bạn chỉ có thể lập di chúc chỉ định bạn thân của bạn là người quản lý di sản của bạn đến khi hai con của bạn đủ 24 tuổi theo quy định tại Điều 638 Bộ luật Dân sự năm 2005 như sau:
"Điều 638. Người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra.
2. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
3. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý."
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.