Đơn phương mang sổ đỏ của hộ gia đình đi thế chấp.
11/04/2017 08:10
Mẹ cháu đơn phương mang sổ đỏ của gia đình (sổ đỏ cấp cho hộ gia đình) ký kết hợp đồng thế chấp với ngân hàng để cho ông A đứng ra vay tiền. Sau 5 năm ngân hàng thông báo ông A không trả được tiền và ngân hàng sẽ thu hồi tài sản bảo đảm (là ngôi nhà gia đình cháu đang ở). Mẹ cháu đã gặp lãnh đạo ngân hàng trình bày tại thời điểm ký kết mẹ cháu đã bị ông A lừa và xin ngân hàng cho trả dần số tiền gốc nhưng không được chấp thuận. Trong thời gian này, bố cháu đang hoàn thiện hồ sơ để kết hợp luật sư đưa vụ việc ra tòa vì bố cháu không tham gia ký kết bất cứ giấy tờ gì với ngân hàng. Nhưng trong thời gian này, ngân hàng ba lần đưa lực lượng đặc nhiệm của ngân hàng (lực lượng này mặc đồng phục và cầm gậy) xuống cưỡng chế và yêu cầu mọi người trong nhà cháu ra khỏi nhà, sau đó ủy thác cho một công ty thứ ba luôn chốt 3 đến 4 người trông giữ bên trong nhà cháu, đặc biệt hơn là có một lần trong số đó lực lượng đặc nhiệm của ngân hàng phá hỏng cửa cuốn của nhà cháu để vào bên trong chiếm giữ nhà cháu. Tất cả những lần đó nhà cháu đều báo lên cơ quan công an phường, quận và được cơ quan này giải quyết. Thế nhưng sau đó cháu được biết ngân hàng liên tục gửi các công văn cho công an và không ngừng ý định cưỡng chế nhà cháu bằng lực lượng kia. Hiện tại nhà cháu luôn có từ 2 đến 5 người trông giữ bên ngoài. Cho cháu hỏi ngân hàng đang làm đúng hay sai và nếu sai thì sai ở mức độ nào? Nhà cháu cần làm gì để đảm bảo quyền lợi chính đáng của gia đình?
(Nguyễn Trọng Bằng)
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì:
Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015 về sở hữu chung của các thành viên gia đình:
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Do đó, đối với trường hợp bạn hỏi, nếu mẹ bạn mang tài sản (là quyền sử dụng đất mà Nhà nước đã cấp cho hộ gia đình) để thế chấp cho ngân hàng khi không có sự đồng ý của các thành viên khác của Hộ gia đình là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Đối với trường hợp bạn hỏi, nếu ngân hàng thực hiện việc cưỡng chế, phá hỏng tài sản của gia đình bạn không đúng quy định của pháp luật thì gia đình bạn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Trong trường hợp này, nếu có tranh chấp về hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình, thì thành viên của hộ gia đình có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn.
Nếu còn vướng mắc, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để nhân được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Công ty luật Bảo Chính.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia các vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, thương mại, kinh tế… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.