Đòi lại tiền đặt cọc mua đất thực hiện như thế nào ?
31/03/2017 10:40Vợ tôi đã đặt cọc và ký trong biên bản đặt cọc 20 triệu đồng trong đó có ghi là nếu không thực hiện việc mua đất sẽ mất tiền cọc, nhưng khi giao dịch vợ tôi có nộp 50 triệu ( có phiếu thu) ghi tiền đặt cọc. Sau đó tôi có điện hỏi vợ tôi là khi đưa 95% thì có sổ đỏ không? vợ tôi có điện hỏi phải sau 1 tháng mới có nên vợ chồng tôi không tin tưởng công ty Kim Phát nên không tiếp tục giao dịch nữa ( trong biên bản đặt cọc có ghi sau 7 ngày phải đóng tiền lần 1 hoặc đóng 95%). Chúng tôi đến đòi lại số tiền đặt cọc 50 triệu đồng trên nhưng công ty Kim Phát nói chỉ giải quyết trả 25 triệu. Luật sư cho tôi hỏi công ty Kim Phát làm như vậy có đúng không?
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Theo khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013
“3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau;
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.”
Điều 129 BLDS 2015 quy định giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
- Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;
- Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Theo quy định tại Điều 131 BLDS 2015 thì hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Theo như bạn trình bày, giữa vợ bạn và công ty bên kia có xác lập giao dịch về việc mua bán đất. Theo quy định của pháp luật thì việc mua bán đất phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Hợp đồng giữa vợ bạn và Công ty kia không được công chứng, chứng thực thì sẽ vi phạm về hình thức của hợp đồng. Do đó, giao dịch dân sự này vô hiệu. Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu bạn không muốn tiếp tục hợp đồng mua bán đất với công ty kia thì bạn có thể căn cứ vào quy định trên để yêu cầu công ty trả lại cho bạn số tiền mà họ đã nhận. Nếu phía công ty kia không trả lại , bạn có thể khởi kiện ra Toà án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.