Điều kiện hợp pháp của di chúc và vấn đề chuyển tên trong sổ đỏ
04/05/2017 14:33
Xin chào Luật sư, tôi muốn hỏi vấn đề sau: Mẹ đẻ tôi đứng tên một thửa đất của ông bà ngoại cho cả 2 vợ chồng khi đó trong sổ hộ khẩu gđ mẹ đẻ tôi chỉ có 2 bố mẹ tôi. Cuối năm 2014, Bố mẹ tôi có viết một di chúc chung với nội dung bố mẹ tôi đã thống nhất chuyển toàn quyền sở hữu cho tôi ở thửa đất ấy.
Bố mẹ tôi đã kí và ghi rõ họ tên và có 2 người không liên quan tới mảnh đất ấy làm chứng, họ kí và ghi xác nhận vào di chúc là ông, bà...đã kí xác nhận trước mặt chúng tôi..... Vì mẹ tôi yếu tay nên bố tôi ghi di chúc chung ấy và đọc lại cho mẹ tôi và những người làm chứng nghe rồi mẹ tôi và những người làm chứng đều kí tên ở dưới. Không may đầu năm 2016, mẹ tôi qua đời . Vậy tôi xin hỏi di chúc ấy có hợp pháp không? Muốn chuyển tên sổ đỏ thì tôi làm thế nào? Mong hồi âm!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, đất ông bà ngoại cho cả bố và mẹ bạn nên dù trên GCN QSDĐ chỉ có tên mẹ bạn nhưng bố bạn vẫn là người đồng sở hữu mảnh đất đó.
Điều 668 Bộ luật Dân sự quy định: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”.
Theo đó, di chúc mà cha, mẹ bạn để lại sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm bố bạn qua đời- tức là thời điểm người sau cùng chết.
Căn cứ vào Điều 650, Bộ Luật Dân Sự 2005:
Di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng;
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Căn cứ pháp luật: theo quy định tại Điều 656 Bộ luật dân sự năm 2005, trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
b. Điều kiện có hiệu lực: thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của di chúc và các điều kiện của người làm chứng, quy định tại Điều 654 BLDS, bao gồm những người không thuộc những trường hợp sau:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, di chúc chung của bố mẹ bạn được lập thành văn bản, có người làm chứng hợp lệ theo quy định của Pháp luật dân sự nên sẽ có hiệu lực pháp luật khi bố bạn qua đời. Hiện tại, bố bạn vẫn còn sống nên di chúc trên chưa có hiệu lực, nên không thể dựa vào bản di chúc này để sang tên cho bạn trên GCN QSDĐ được.
Sau khi dic chúc có hiệu lực, muốn sang tên, bạn có thể tiến hành theo thủ tục sau:
1. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Bạn thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Văn phòng công chứng. Theo đó, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất cùng ký tên vào Văn bản thỏa thuận có nội dung tặng cho quyền nhận di sản cho bạn. Cụ thể:
- Bạn sẽ tới phòng công chứng nộp các giấy tờ sau cho công chứng viên/chuyên viên thụ lý hồ sơ
- Nơi tiếp nhận hồ sơ: Phòng công chứng
- Hồ sơ công chứng gồm các thủ tục sau:
+ Đối với người yêu cầu công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản bao gồm các giấy tờ sau:
1. Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
2. Dự thảo Văn bản thoả thuận phân chia di sản;
3. Bản sao giấy tờ tuỳ thân;
4. Bản sao giấy tờ liên quan đến việc công chứng Văn bản thoả thuận phân chia di sản. (Bản sao là bản chụp, bản in, bản đánh máy nhưng có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính không phải chứng thực nhưng khi nộp bản sao người yêu cầu công chứng phải nộp bản chính để đối chiếu).
+ Di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình: (theo khoản 2 Điều 49 Luật Công chứng)
1. Giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
2. Đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình:
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
2. Thủ tục sang tên quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở
Sau khi bạn đã làm thủ tục tục khai nhận di sản thừa kế thì bạn có thể làm thủ tục sang tên mảnh đất theo quy định của pháp luật. Cụ thể thủ tục sang tên:
* Thẩm quyền: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.
* Hồ sơ gồm: bản chính văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; giấy tờ khác (giấy tờ tùy thân, giấy chứng tử …).
* Thủ tục: Văn phòng đăng ký nhà đất sau khi nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, làm trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có); chỉnh lý giấy chứng nhận đã cấp hoặc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp phải cấp mới giấy chứng nhận; Sau khi bên nhận thừa kế thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, Văn phòng đăng ký nhà đất có trách nhiệm trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà cho chủ sở hữu.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.