Di sản thừa kế và vấn đề người quản lý di sản
26/04/2017 16:51Gia đình em có mảnh đất do ông nội em đứng tên vì bà nội đã mất sớm, ông bà nội có 9 người con. Khi ông nội mất thì không có để lại di chúc gì cả. Cùng lúc đó thì người anh thứ 2 trong gia đình nói với tất cả những người em còn lại ký tên với danh nghĩa là cho tặng để người anh thứ 2 đứng tên. Rồi sau này khi 8 người còn lại tụ họp về đủ thì sẽ chia ra lại cho tất cả 9 người. Nhưng khi đã ký tên xong thì người anh thứ 2 không giữ lời hứa để chia lại cho tất cả 8 người còn lại. Tòa án cũng đã mời để hòa giải nhiều lần nhưng người anh thứ 2 không có mặt. Tòa án cũng đã có xử sơ thẩm rồi nhưng 8 người còn lại vẫn thua kiện.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cám ơn bạn đã gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định của BLDS 2005, di sản của người chết không để lại di chúc được chia theo pháp luật.
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Những người được thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 676 BLDS 2005:
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Về việc quản lý di sản thừa kế trước khi chia được quy định như sau:
“Điều 638. Người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra.
2. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
3. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.”
Thứ nhất, trường hợp của bạn người đứng tên sở hữu mảnh đất đó là ông nội của bạn, và chỉ có chủ sở hữu mới có quyền định đoạt. Việc các em còn lại cùng ký tên với danh nghĩa là cho tặng để người anh thứ 2 đứng tên, đây chỉ được coi là thỏa thuận về quản lý di sản thừa kế, vì ông nội bạn mất không để lại di chúc. 8 người đó cũng không phải đồng chủ sở hữu nên hoàn toàn không có quyền tặng cho mảnh đất đó.
Thứ hai, việc ký vào văn bản với danh nghĩa cho tặng có người làm chứng hay không, có được công chứng, chứng thực ở cơ quan có thẩm quyền không. Nếu không có người làm chứng, văn bản trên đương nhiên bị vô hiệu bởi nội dung văn bản là “cho tặng” mảnh đất của ông nội bạn để lại là không đúng với quy định về thừa kế trong BLDS. Văn bản này không thể sử dụng để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bạn có nói là vụ việc trên đã được xử ở Tòa án cấp Sơ thẩm. Tuy nhiên không nói rõ các bạn kiện chia thừa kế hay kiện đòi tài sản. Nếu đã nộp đơn kiện đòi tài sản, thì bây giờ 8 người còn lại có thể căn cứ những lý lẽ nêu trên để tiến hành khởi kiện phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Còn nếu đã nộp đơn kiện phân chia di sản, và không đồng ý với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, những người còn lại có thể tiếp tục làm hồ sơ khởi kiện gửi lên Tòa án cấp phúc thẩm xem xét và giải quyết.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 19006281.
Trân trọng!