Đất đai và quyền về lối đi qua bất động sản liền kề
25/04/2017 14:07
Kính gửi Luật sư! Tôi hiện sống ở Hà Nội. Mảnh đất trước đây đời các cụ ở, sau cải cách ruộng đất bị quy là gia đình địa chủ bị mất một phần chia cho một số hộ, có lối đi chung và cũng có quyền đi chung. Nhà phía trước, từ đời các cụ, vốn quay ra ngõ trước mặt, không hề có chút quyền nào được đi cái lối đi....Sau này nhà đó đến đời con thì chia làm 2 cho 2 anh em, ông anh bán miếng đất cho chủ đất mới. Chủ đất chia lô làm 3, muốn bán lẻ cho những người không có điều kiện mua cả miếng đất rộng nói trên. Nếu xét về quyền được đi lại, người mua đất chỉ có quyền xây nhà quay ra mặt ngõ phía trước, chứ không hể có quyền đi trên lối đi mà họ đòi đi (vì từ trước đây đời các cụ, nhà đã bán đất không hề có quyền đó).
Nay chủ đất bằng cách nào đó, đã làm việc với xã để mua hay thỏa thuận được quyền đi trên lối đi mà trước đây nhà họ không hề có quyền sử dụng.
Vậy xin hỏi quý Luật sư, việc trả tiền, để được đi như vậy là đúng hay sai pháp luật. Chính quyền Xã nói rằng đó là đất địa chủ từ xưa. Xin hỏi Luật sư, từ sau cải cách ruộng đất, đến nay ai còn dùng 2 từ địa chủ, hay ủy ban xã sử dụng cái giấy tờ đã lỗi thời từ sau cách mạng để chia lối đi riêng cho người thiên hạ đến mua miếng đất không có quyền sở hữu lối đi của người khác..
Sớm mong hồi âm. Xin cám ơn Luật sư!
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo như thông tin bạn đưa ra chúng tôi thấy rằng đây là trường hợp sử dụng hạn chế bất động sản liền kề: quyền về lối đi qua bất động sản liền kề.
Điều 275. Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề
1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
Quyền này phát sinh khi bất động sản của một người bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có lối ra đường công cộng. Như trường hợp của bạn, chúng tôi vẫn chưa thể xác định được bất động sản bạn đề cập có bị vây bọc hay không cho nên chúng tôi sẽ tư vấn theo chiều hướng bị vây bọc hoàn toàn.
Theo quy định của pháp luật các chủ bất động sản vây bọc phải tạo điều kiện mở cho chủ bất động sản bị vây bọc một lối đi thuận tiện và hợp lý nhất đảm bảo đầy đủ các điều kiện về vị trí, giới hạn, chiều dài, chiều rộng....Đồng thời với đó là chủ bất động sản bị vây bọc (người được dành lối đi) phải đền bù cho chủ bất động sản liền kề hoặc không nếu giữa họ có thỏa thuận không phải đền bù. Nếu các chủ bất động sản liền kề không đồng ý mở cho họ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp.
Như vậy, việc chủ đất mà bạn đề cập trả một khoản tiền là phù hợp với quy định của pháp luật.
Còn vấn đề sử dụng thuật ngữ "địa chủ" ở thời điểm hiện tại chúng tôi nhận thấy như sau:
Sau cải cách ruộng đất nước ta không còn địa chỉ bởi vậy thuật ngữ này không được sử dụng nữa. Do thông tin bạn đưa ra chưa đầy đủ mà chỉ đề cập rằng chính quyền xã nói đất này là đất địa chủ từ xưa. Chúng tôi không xác định được mục đích của câu nói là xác định nguồn gốc đất hay có mục đích khác nên không thể khẳng đinh rằng chính quyền xã làm sai hay không. Tuy nhiên cũng cần khẳng định rằng quyền về lối đi qua bất động sản (quyền đi trên lối đi mà bạn đề cập) hoàn toàn được pháp luật ghi nhận và cho phép.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.