Con có quyền yêu cầu cha chia đất cho không?
10/05/2017 08:45Tôi năm nay 30 tuổi. Cha và mẹ tôi đã li dị lúc tôi còn nhỏ, tôi sống và nhập hộ khẩu với ông bà nội, lúc đó cha tôi có gia đình khác và được ông bà nội cho đất trong ruộng để ở riêng. Khi tôi học lớp 6 thì mẹ tôi cũng lập gia đình khác và xin bà nội cho phép tôi về ở cùng mẹ và cha dượng (hộ khẩu tôi vẫn ở cùng ông bà nội). Vào khoảng tháng 7, năm 2014, cha tôi cùng dì và 3 đứa em cùng cha khác mẹ của tôi dọn về ở cùng ông bà nội tôi và nhập hộ khẩu tất cả vào cùng. Được 1 năm thì ông nội tôi mất. Đến nay, bà nội tôi vẫn còn nhưng bà hơi đãng trí vì quá già! Dì tôi bắt đầu giành quyền, mỗi lần tôi ghé thăm bà thì lại nói chuyện chặn đầu không muốn tôi giành phần. Riêng cha tôi không làm gì cả. Người con trai giữa thì rất quậy mới ra tù, lại nghe theo bà dì, nên cứ tôi ghé thăm bà là kiếm chuyện. Nay tôi không thể chịu được nên muốn hỏi rằng tôi có được quyền yêu cầu cha tôi chia đất đai hay không? Sẽ được chia thế nào?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Việc bạn hay gia đình bố bạn gồm bố, dì, 3 người em cùng cha khác mẹ đang ở chung sổ hộ khẩu với ông bà nội bạn không đồng nghĩa mọi người đều có quyền sở hữu đối với khối tài sản này. Căn cứ vào thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp cho hộ gia đình hay cấp cho cá nhân. Nếu cấp cho hộ gia đình, thì bạn xem xét tại thời điểm cấp hộ gia đình gồm những ai thì những người đó có quyền yêu cầu phân chia tài sản chung.
Nếu đất đai được cấp cho ông bà nội bạn thì đây là tài sản chung của ông bà nội bạn. Bạn chưa nói rõ ông bà nội bạn có mấy người con, ngoài bố bạn còn người con nào nữa không? Ông nội bạn mất, nếu có di chúc để lại thì phân chia tài sản theo di chúc, nếu không có di chúc thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật như sau:
+ Tài sản của ông bà nội bạn sẽ chia làm 2 phần bằng nhau, 1 phần của bà nội bạn, không ai có quyền tranh chấp. Phần còn lại của ông nội bạn sẽ chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;"
Như vậy, bạn có quyền yêu cầu bố bạn chia tài sản thuộc sở hữu của bố bạn.
+ Nếu bố bạn không đồng ý thì không ai có quyền yêu cầu bố bạn phải chia. Mọi hành vi ép buộc ý chí tự nguyện của bố bạn thì tùy vào mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự; nếu gây ra thiệt hại cho bố bạn hoặc cho bên thứ ba thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
+ Bố của bạn đồng ý chia đất thì việc chia sẽ do bố bạn quyết định, phù hợp quy định pháp luật.
Điều 194 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản."
Điều kiện định đoạt được quy định tại Điều 193 Bộ luật dân sự 2015 như sau :
+ Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật.
+ Trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.
Việc chia cho mỗi người bao nhiêu đất sẽ phụ thuộc vào ý chí của bố bạn trong trường hợp này. Bố bạn quyết định chia cho mỗi người bao nhiêu thì người được nhận sẽ được hưởng số tài sản trong phạm vi được tặng, cho, trừ trường hợp người nhận từ chối phần tài sản được tặng, cho.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.