Có được đưa clip xét xử phiên Tòa lên mạng xã hội không?
05/05/2017 17:27Chào Luật sư: Công ty của chúng tôi có tranh chấp với một công ty khác về hợp đồng kinh tế. Vụ việc được tòa án thụ lý và có các nội dung sau: Mời hai bên lên thỏa thuận nhiều lần không thành. Tòa xử án có bản án cụ thể rõ ràng. Như vậy các video Clip về các buổi hòa giải và buổi xử án chúng tôi sẽ đưa lên các trang mạng xã hội có vi phạm pháp luật Việt Nam không? Cảm ơn Luật sư!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
khoản 1 Điều 3 Thông tư số 01/2014/TT-CA ngày 10/10/2015 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao:
"1. Khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa.
Nghiêm cấm mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.
2. Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa và ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của Thư ký phiên tòa; trường hợp đến muộn thì phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa thông qua lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.
3. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập.
4. Mọi người trong phòng xử án phải mặc quần áo nghiêm túc; có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ trật tự, không nói chuyện riêng và tuân theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa.
5. Không đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án, trừ trường hợp có lý do chính đáng, được Chủ tọa phiên tòa cho phép; không sử dụng điện thoại di động trong phòng xử án; không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án hoặc có hành vi khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa.
6. Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án, trừ trường hợp đặc biệt được phép của Chủ tọa phiên tòa.
7. Bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa; việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của Chủ tọa phiên tòa.
8. Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải có mặt tại phiên tòa trong suốt thời gian xét xử vụ án, trừ trường hợp được Chủ tọa phiên tòa cho phép rời khỏi phòng xử án khi có lý do chính đáng.
9. Chỉ những người được Hội đồng xét xử cho phép mới được hỏi, trả lời hoặc phát biểu. Người hỏi, trả lời hoặc phát biểu phải đứng dậy, trừ trường hợp vì lý do sức khỏe được Chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi để hỏi, trả lời hoặc phát biểu.
10. Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy trường hợp có thể bị Chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án, bị bắt giữ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật."
Điều 4 Thông tư 01/2014/TT-CA quy định hoạt động thông tin, báo chí tại phiên tòa như sau:
- Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình Thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa; chấp hành đúng hướng dẫn của Thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa; tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phòng xử án.
- Hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Mặt khác, Khoản 4 Điều 234 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: "4. Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ."
Như vậy, khi tổ chức phiên tòa, phải bảo đảm giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự trong trường hợp cần thiết; bảo đảm tính tôn nghiêm của phiên tòa.
Ngoài ra, Điều 31 Bộ luật dân sự 2005 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh có quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Như vậy, theo quy định trên, thì việc quay video, clip tại phiên toà và đưa các video clip đó lên mạng chỉ được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện sau:
+ Được Chủ tọa phiên tòa cho phép.
+ Không làm ảnh hưởng đến uy tín của phía bên nguyên đơn hoặc bị đơn.
+ Nội dung vụ xét xử không liên quan đến bí mật nhà nước.
+ Bảo đảm thuần phong, mỹ tục.
+ Không ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của phiên tòa và cơ quan nhà nước.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.