Cho vay nặng lãi - Điều kiện ?
05/04/2017 16:47Thưa Luật sư, em có câu hỏi mong luật sư giúp đỡ. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi có vay số tiền là 25 triệu đồng. Khi vay tôi phải mua bảo hiểm 2 triệu đồng, còn được nhận 23 triệu đồng. Thời hạn cho vay là 12 tháng, mỗi tháng phải trả 2.363.000 đồng. Như vậy có được xem là cho vay nặng lãi không? Xin chân thành cảm ơn Luật sư.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn. Về nội dung vấn đề bạn đang thắc mắc Công ty luật Bảo Chính tư vấn như sau:
Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 quy định như sau:
"1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, đối với trường hợp các bên thỏa thuận về mức lãi thì lãi suất cho vay không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Cho đến năm 2015, Ngân hàng nhà nước vẫn mức lãi suất cơ bản bản đồng Việt Nam là 9%/năm theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010. Theo quy định này thì có thể xác định được mức lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận khi cho vay tiền là:
+ Mức lãi suất năm: 9 x 150% = 13,5%/năm
+ Tương ứng mức lãi suất tính theo tháng: 13,5 : 12 = 1,125%/tháng.
Như vậy, nếu bạn vay 25.000.000 đồng mà phải trả lãi 2.363.000 đồng/tháng như vậy lãi suất là 2.363.000:25.000.000=9,452%/tháng, có nghĩa là 113,424%/năm.
Điều này có nghĩa lãi suất so với mức 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng gần 8,4 lần. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu trong hợp đồng vay tài sản, các bên có thỏa thuận về mức lãi suất vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, khi có tranh chấp xảy ra thì Nhà nước không thừa nhận và bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Như vậy, bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng và chỉ thực hiện nghĩa vụ trả lãi ở mức lãi suất tối đa theo quy định pháp luật (150% lãi suất cơ bản của ngân hàng).
Với hành vi này, bên cho vay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm d khỏa 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình: "Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay."
Trong trường hợp của bạn, mặc dù hành vi của người cho vay là cho vay tiền với lãi suất vượt quá quy định cho phép nhưng chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự cho nên bên cho vay sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu cho vay có nhận cầm cố tài sản; không bị xử phạt hành chính nếu bạn không nhận cầm cố tài sản.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 1900 6281
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.