Cho bạn vay tiền nhưng chỉ qua thỏa thuận miệng thì có kiện đòi lại tiền được không?
13/05/2017 09:53
Cách đây 2 năm, cha tôi có cho ông D (tôi không tiện nói tên) vay 43 triệu. Sau này, tôi mới biết là ông D đánh cờ bạc thua , nên nhờ ông H (ông này lại có anh em xa với cha tôi) đến năn nỉ mượn tiền cha tôi. Vì không biết tác hại của việc cho vay tiền đánh bạc và cũng một phần nể nang tình làng xóm, nên cha tôi đã bán 1 con bò và cho ông D mượn hết số tiền bán được (43 triệu đồng) đó. Lúc cho ông D mượn thì lại chỉ có cha tôi với ông D, sau này ông D có đến nhà tôi (lúc đó có cha, mẹ và em trai tôi) hứa là sẻ trả lại số tiền đó kèm tiền lãi (vì tiền mua con bò đó cha tôi mượn ngân hàng) nhưng đã 2 năm, ông D không hề trã tiền gốc cũng không đóng tiền lãi hàng tháng. Cha me tôi vẫn phải đóng tiền lãi hàng tháng cho ngân hàng. Xin hỏi luật sư:
Gia đình tôi muốn đòi lại số tiền đó thì phải làm sao? Cha tôi cũng từng đến nhà đòi tiền nhưng ông D chỉ bảo là ông D sẻ trả khi nào ông có tiền. Có nhiều người khuyên gia đinh tôi không nên đò lại nữa(như của đi thay người), vì cha tôi cho người ta mượn tiền đánh cờ bạc,nên không đòi lại được nếu ra tòa có khi cha tôi còn phải ở tù. Vả lại cha tôi cho người ta mượn không có giấy tờ, không có người làm chứng nên không đủ căn cứ để lấy lại số tiền đó. Cũng có người khuyên, nên đến nhà và nói chuyện với ông D nhưng gi âm hoặc quay lại mà không cho ông D biết, rồi lấy đó làm bằng chứng thuyết phục trước tòa.
Liệu cha tôi có vi phạm pháp luật trong trường hợp trên không?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Gia đình tôi muốn đòi lại số tiền đó thì phải làm sao?
Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Dân sự 2005 thì: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Điều 124 Bộ luật Dân sự 2005 có quy định về hình thức của giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi vụ thể.
Việc cha bạn cho D vay tiền được coi là một giao dịch dân sự. Để đảm bảo lợi ích của các bên trong việc vay tài sản thì việc vay tài sản nên được thực hiện bằng hợp đồng. Cụ thể theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2005 thì:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Tuy nhiên, việc cha bạn cho D vay tiền lại không tiến hành lập thành hợp đồng cho vay giữa hai bên nên việc đòi lại tiền trong trường hợp này là rất khó khăn nếu D cương quyết không chịu trả tiền. Bởi để có thể đòi lại số tiền này, gia đình bạn sẽ tiến hành khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 84 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 sửa đổi 2011 thì: “Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án; nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Như vậy, khi tiến hành làm đơn khởi kiện tại Tòa án thì gia đình bạn cần phải giao nộp được chứng cứ chứng minh rằng D đã vay tiền của cha bạn. Tuy nhiên, cha bạn lại không có bất kì tài liệu, giấy tờ gì để có thể chứng minh được D đã vay tiền của mình vì thế việc khởi kiện đòi lại số tiền 43 triệu là rất khó. Như vậy, để có thể đòi lại số tiền trên thì gia đình bạn cần có chứng cứ chứng minh D đã vay tiền của gia đình mình. Ghi âm lại việc D công nhận có vay tiền của gia đình bạn cũng sẽ được coi là chứng cứ để chứng minh trước tòa. Khi có chứng cứ chứng minh trước tòa gia đình bạn sẽ làm đơn khởi kiện kèm theo chứng cứ đó gửi tới tòa án nhân dân cấp huyện để được giải quyết. Dựa trên các chứng cứ hợp pháp cùng với đơn khởi kiện tòa án sẽ tiến hành giải quyết yêu cầu của gia đình bạn. Gia đình bạn có thể sẽ đòi lại được số tiền này.
Cha tôi có vi phạm pháp luật hay không?
Để xác định rằng việc cha bạn cho D vay tiền có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không thì cần chia ra hai trường hợp:
Trường hợp 1, nếu cha bạn cho D vay tiền và không hề biết D sử dụng vào việc đánh bạc mà D khi mượn tiền D nói rằng sử dụng vào mục đích kinh doanh, sinh hoạt trong gia đình… thì trong trường hợp này, cha bạn không có lỗi và không vi phạm pháp luật.
Trường hợp 2, nếu cha bạn biết D sử dụng vào mục đích đánh bạc mà vẫn cho vay tiền thì trong trường hợp này hành vi cho D vay tiền của cha bạn là hành vi vi phạm pháp luật.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.