Căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
05/05/2017 11:17Xin chào luật sư! Luật sư cho hỏi cơn bão số 1 vừa qua công ty em bị lốc bay cả mái nhà vệ sinh sang công ty bên cạnh, và làm đổ cột điện và hư hỏng nhẹ 2 ô tô của công ty bên cạnh, giờ công ty bên đó muốn bên em đền bù thiệt hại.cho hỏi theo luật công ty em có phải đền không. Em rất mong được sự hồi đáp của luật sư?
Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
- Căn cứ Khoản 1 Mục 1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:
"1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005 (sau đây gọi tắt là BLDS), về nguyên tắc chung thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
1.1. Phải có thiệt hại xảy ra.
Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
a) Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 BLDS; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 609 BLDS; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 610 BLDS; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 611 BLDS.
b) Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mấy uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm.. và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.
1.2. Phải có hành vi trái pháp luật.
Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.
1.3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
1.4. Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
a) Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
b) Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Cần chú ý là đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó."
Căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra
Như vậy, công ty bạn chỉ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi có đủ các căn cứ sau đây:
+ Có thiệt hại xảy ra.
+ Có hành vi trái pháp luật.
+ Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật.
+ Có lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý của người gây thiệt hại.
Cụ thể, trong trường hợp của bạn, công ty bên cạnh công ty bạn thực tế có thiệt hại xảy ra nhưng bên phía công ty bạn không có hành vi trái pháp luật, không có lỗi vô ý hay cố ý và cũng không có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Do đó, không có đủ căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty bạn trong trường hợp thiệt hại do thiên tai.
- Ngoài ra căn cứ Điều 627 Bộ luật dân sự quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:
"Điều 627. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra
Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng."
- Căn cứ Điều 161 Bộ luật dân sự quy định về sự kiện bất khả kháng như sau:
"Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép."
Theo quy định tại Điều 627 Bộ luật dân sự nêu trên, chủ sở hữu, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác. Tuy nhiên, trường hợp thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng thì không phải bồi thường. Trong trường hợp của bạn, thiệt hại xảy ra do thiên tai là sự kiện bất khả kháng, xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được trong khả năng cho phép. Do đó, trong trường hợp của bạn, bạn không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự kiện bất khả kháng.
Trừ trường hợp việc thiên tai làm bay mái nhà của công ty bạn gây thiệt hại cho công ty bên cạnh do mái nhà của công ty bạn được xây lắp không đảm bảo an toàn kĩ thuật dẫn đến thiệt hại. Trong trường hợp này phải chứng minh được hành vi trái pháp luật và yếu tố lỗi của công ty bạn thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.