Cầm cố xe không chính chủ xử lý như thế nào ?
05/04/2017 14:20
Xin chào luật sư.
Nhờ luật sư tư vấn cho trường hợp của tôi. Tôi mở tiệm cầm đồ. Ngày 5/11 có 1 người tên A đem chiếc xe con hiệu innova đến cửa hàng. Tôi yêu cầu cầm với giá 100 triệu, người này có giấy đăng ký xe (đăng ký xe mang tên Nguyễn B), nói rằng là xe của gia đình, mẹ của người này mua cho người này nhưng chưa sang tên.
Tôi có hỏi giấy ủy quyền thì nói là mẹ giữ không lấy được, vì suy nghĩ chủ quan là xe thuê thì chủ xe sẽ không giao đăng ký xe gốc cho người thuê nên tôi đã đồng ý cầm cho tên A 100 triệu, có hợp đồng cắm xe, đóng dấu và lăn tay. Tôi biết là mình đã phạm luật cầm xe không chính chủ.
Ngày 10/11 tôi được công an phường X mời lên làm việc, thì ra chiếc xe này do tên A thuê của ông B, mấy ngày không thấy trả nên ông B theo định vị tìm đến bãi xe tôi đang gửi để lấy lại xe. Sau khi làm việc thì tôi đã giao chiếc xe con cùng bộ giấy tờ liên quan đến việc cầm đồ cho công an phường X. Ngày 15/11 Công an quận Y - nơi tên A và ông B cư trú mời tôi lên làm việc, cũng chỉ hỏi lại những gì đã khai trước đó rồi bảo về đợi thứ 2 lên giải quyết. Cùng sáng hôm đó công an có mời tên A lên là việc, anh ta hứa là thứ 2 tuần sau đem tiền lên khắc phục hậu quả.
Hôm thứ 2 như công an hẹn tôi đến chỗ công an thì công an bảo chưa thấy A lên, khi nào A lên thì công an gọi cho. Tôi cũng ngóng tin tức từ ngày này sang ngày khác ( trong khoảng thời gian này điện thoại của tên A vẫn còn liên lạc được ). Tới khoảng 20/11 thì tên A gọi điện nói đang ở công an quận Y kêu lên thương lượng, lên tới nơi, có anh công an phụ trách vụ án ngồi đó. Nó nói lảm nhảm gì kiểu như đầu óc không tỉnh táo. Xong anh công an mới kể là nó mới làm thêm 1 vụ, thuê chiếc xe của 1 người khác ở quận khác đem đi đâu đến giờ vẫn chưa tìm được, là nó bị công an quận đó bắt và giờ bị giam bên đó, công an có mời ba mẹ nó lên làm việc, ba mẹ nó không lên, bảo là giờ không có khả năng khắc phục hậu quả, nó làm thì nó chịu, giờ muốn làm gì nó thì làm.
Tôi muốn hỏi: Hướng giải quyết liệu 100 triệu của tôi có bị mất không ? và việc tôi cầm cố xe không chính chủ có bị xử lý gì không ? Mong luật sư tư vấn hộ tôi ?
Chân thành cảm ơn.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn. Về nội dung vấn đề bạn đang thắc mắc Công ty luật Bảo Chính tư vấn như sau:
Căn cứ Điều 309 Bộ luật dân sự 2015 thì việc Cầm cố tài sản được quy định như sau:
"Điều 309. Cầm cố tài sản
Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”
“Điều 194 Quyền định đoạt của chủ sở hữu
Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.”
“Điều 195 Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu
Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật."
Như vậy, trong trường hợp này, anh A không phải là chủ sở hữu của chiếc xe cũng không được chủ sở hữu ủy quyền hợp pháp, nên giao dịch cầm cố này là trái pháp luật và sẽ không có giá trị pháp lý và được xem vô hiệu”.
Và hậu quả pháp lý xảy ra là Căn cứ Điều 131 Bộ luật dân sự 2017:
"Điều 131: Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường."
Theo đó, chiếc xe con nói trên phải được trả lại cho chủ sở hữu của nó là anh B và anh A có nghĩa vụ trả lại tiền cho cửa hàng cầm đồ của anh.
Đối với tiệm cầm đồ có hành vi cầm xe thuộc chủ quyền hợp pháp của người khác thì căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bao lực gia đình:
"Điều 11: Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với những hành vi sau đây:
....
e, Cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố."
Như vậy với tiệm cầm đồ của bạn sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc nghe luật sư tư vấn khi gọi 1900 6281
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.