Các quy định của pháp luật về phân chia tài sản, chia thừa kế theo quy định của pháp luật
11/05/2017 17:10Mẹ tôi là đứa còn tàn tật của liệt sỹ. Từ trước đến nay mẹ tôi cùng các dì tôi phụng dưỡng bà Ngoại tôi (là thân nhân và có công cách mạng). Mẹ tôi tàn tất mất sức lao động và nhận trợ cấp hàng tháng của nhà nước. Gần đây sức khỏe mẹ tôi yếu và đau ốm thường xuyên. Nên các dì tôi tranh thủ thời gian mẹ tôi nằm viện để làm di chúc chia ngôi nhà cấp 4 mẹ tôi và bà ngoại tôi đang ở. Tôi xin hỏi quý công ty là giờ mẹ tôi đã sống và bỏ tiền xây dựng nhà trên mãnh đất bà ngoại tôi để 2 mẹ con ở gần 30 năm nay thì bây giờ mẹ tôi phải làm gì (vì đây là tài sản duy nhất của mẹ tôi) để giữ lại ngôi nhà của chính mình trước sự tranh chấp của người khác không. (Tôi xin nói thêm: những người kia biện lý do là không ai nuôi bà ngoại tôi nên bán nhà lấy tiền thuê người nuôi). Tôi xin chân thành cảm ơn?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 633 Bộ luật dân sự 2005:
Điều 633. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này.
...
Như vậy, trong trường hợp của bạn, các dì của mẹ bạn chỉ có thể chia thừa kế (mở thừa kế) sau khi bà bạn mất. Còn hiện tại bà bạn chưa mất thì các chị em của mẹ bạn không được quyền chia tài sản thừa kế. Mặt khác, bạn có đưa ra nội dung về việc các dì lập di chúc, bạn lưu ý về quyền lập di chúc cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Một di chúc hợp pháp phải đảm bảo những nội dung quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
Điều 652. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Việc các dì bạn tự ý lập di chúc là hoàn toàn không đúng, việc lập di chúc là do ý chí của người có tài sản lập theo đúng thủ tục quy định nêu trên. Theo đó, các dì của bạn không thể tự thực hiện được. Mẹ bạn phải chứng minh tài sản là nhà ở trên đất thuộc sở hữu của mẹ bạn thông qua các giấy tờ đang có quyền sở hữu để giải quyền khi có tranh chấp.
Quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Chia di sản có yếu tố nước ngoài thực hiện như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, Hiện em đang nghiên cứu về thừa kế có yếu tố nước ngoài trong Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước. Em có 2 vấn đề cần được tư vấn như sau: Câu cuối bài viết có nêu: "Trong 7 Hiệp định đều ghi nhận: Nếu theo pháp luật về thừa kế của nước ký kết mà không còn người nào thừa kế thì động sản sẽ được giao lại cho nước kí kết mà người để lại di sản là công dân khi chết, còn các bất động sản thì thuộc về nước nơi có bất động sản". Xin hỏi 7 Hiệp định được đề cập là các Hiệp định Việt Nam ký kết với những quốc gia nào? Điều khoản cụ thể trong các Hiệp định. Vấn đề thứ hai, trong hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Nga có thỏa thuận: "quan hệ pháp luật về thừa kế động sản do pháp luật của Bên ký kết mà người để lại thừa kế là công dân vào thời điểm chết điều chỉnh". Quy phạm này áp dụng hệ thuộc luật quốc tịch. Vậy, đối với trường hợp người không quốc tịch và người có nhiều quốc tịch thì thừa kế động sản được xác định theo pháp luật của nước nào? Chân thành cảm ơn! ?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Thứ nhất, xin liệt kê 7 Hiệp định được nhắc tới trong trích đoạn bạn nêu và các điều khoản cụ thể tại các Hiệp định này điều chỉnh về vấn đề thừa kế có yếu tố nước ngoài.
Hiệp định tương trợ tư pháp được coi là một trong những nguồn cơ bản của Tư pháp quốc tế trong việc giải quyết các xung đột về thừa kế có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam. Số lượng Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia ngày một tăng. Trong đó có 7 Hiệp định sau cùng quy định quyền thừa kế theo pháp luật được xác định đối với từng loại tài sản cụ thể. Các Hiệp định đó là:
- Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào: Điều 36
- Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ba Lan: Điều 41
- Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam và nước Cộng hoà Cuba: Điều 34
- Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ucraina: Điều 34
- Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Hunggari: Điều 44
- Hiệp định về tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mông Cổ: Điều 34
- Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết: Điều 35
Thứ hai, xin giải đáp thắc mắc của bạn trong trường hợp người không quốc tịch và người có nhiều quốc tịch thì thừa kế động sản được xác định theo pháp luật của nước nào?
Theo quy định tại Điều 760 Bộ luật dân sự 2005 thì đối với trường hợp người không quốc tịch và người có nhiều quốc tịch thì việc áp dụng pháp luật như sau:
- Trong trường hợp Bộ luật dân sự 2005 hoặc các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật của nước mà người nước ngoài là công dân thì pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch là pháp luật của nước nơi người đó cư trú; nếu người đó không có nơi cư trú thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Trong trường hợp Bộ luật dân sự 2005 hoặc các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật của nước mà người nước ngoài là công dân thì pháp luật áp dụng đối với người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự; nếu người đó không cư trú tại một trong các nước mà người đó có quốc tịch thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân.
Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 138/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành các quy định của bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì đương sự có nghĩa vụ chứng minh trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về mối quan hệ gắn bó nhất của mình về quyền và nghĩa vụ công dân với hệ thống pháp luật của nước được yêu cầu áp dụng. Trong trường hợp đương sự không chứng minh được về mối quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân của mình đối với hệ thống pháp luật được yêu cầu thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.