Bồi thường trong trường hợp va chạm giao thông bất ngờ như thế nào?
12/05/2017 10:51
Xe em và 1 xe máy khác lưu thông cùng chiều, vận tốc đúng quy định, tuy nhiên khi xuống dốc cầu xe kia giảm tốc độ để quẹo vào đường về nhà (hướng quẹo cùng phía với hướng đang chạy), do đó em điều khiển xe ra phía ngoài để tiếp tục lưu thông đồng thời tốc độ không giảm nhiều như xe kia. Khi xe em chạy gần tới xe kia thì xe kia bắt đầu quẹo nhưng không mai bị trượt phải đống đá do người ta làm công trình và bị ngã. Lúc ngã đuôi xe người kia vạt ra trước đầu xe em, do lúc đó đột ngột khoảng cách lại gần em không thắng kịp cũng không né kịp nên đã đâm vào đuôi xe người kia (không đụng vào người). Sau tai nạn xe em nằm gần giữa đường, xe kia bị xe em đụng vào phần đuôi nên đẩy hướng xe quay lại ngược chiều lúc chạy và bị bể phần bảo vệ đèn xe phía sau. Người kia bị ngã xe bị bể xương đá ở tai! Người kia chạy xe 50, đang đi học 15 tuổi. Em chạy xe Wave, đang làm công nhân 25 tuổi. Em muốn hỏi trong trường hợp này em bị lỗi như thế nào?
Có bồi thường hay không, và bồi thường như thế? Mong được giải đáp sớm. Em xin chân thành cảm ơn!?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bạn như sau:
- Căn cứ Điều 60 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về tuổi, sức khoẻ của người lái xe như sau:
"Điều 60. Tuổi, sức khỏe của người lái xe
1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe."
Như vậy, theo Điểm a Khoản 1 Điều 60 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về tuổi, sức khoẻ của người lái xe nêu trên, người bị thiệt hại 15 tuổi, điều khiển phương tiện 50 phân khối là vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 về độ tuổi được phép tham gia giao thông.
- Căn cứ Điều 5 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT quy định về các trường hợp phải giảm tốc độ như sau:
"Điều 5. Các trường hợp phải giảm tốc độ
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp sau:
1. Có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường.
2. Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế.
3. Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường vòng; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường mà mặt đường không êm thuận.
4. Qua cầu, cống hẹp; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc.
5. Qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung nhiều người; khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường; khu vực đang thi công trên đường bộ; hiện trường xảy ra tai nạn giao thông.
6. Khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
7. Có súc vật đi trên đường hoặc chăn thả ở sát đường.
8. Tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi cho xe chạy sau vượt.
9. Đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ xe có khách đang lên, xuống xe.
10. Gặp xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ; gặp xe quá khổ, quá tải, xe chở hàng nguy hiểm; gặp đoàn người đi bộ.
11. Trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, cát bụi rơi vãi.
12. Khi điều khiển phương tiện đi qua khu vực trạm kiểm soát tải trọng xe, trạm cảnh sát giao thông, trạm thu phí."
- Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
"Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này."
Trong trường hợp sự việc của bạn, lỗi thuộc về cả hai phía, bạn không làm chủ tốc độ khi xuống dốc, va chạm với người điều khiển cùng chiều, người bị thiệt hại thì điều khiển xe trong trường hợp không đủ điều kiện về độ tuổi được phép điều khiển phương tiện giao thông.
Trong trường hợp này, bạn phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 vì có đủ các yếu tố: có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, có lỗi không làm chủ tốc độ khi xuống dốc, có thiệt hại về sức khoẻ và tài sản xảy ra đối với người bị thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi vi phạm pháp luật.
- Căn cứ Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm như sau:
"Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
- Căn cứ Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau:
"Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
4. Thiệt hại khác do luật quy định."
Như vậy, mức bồi thường thiệt hại do hai bên thoả thuận dựa trên quy định tại Điều 589, 590 Bộ luật dân sự năm 2015 nêu trên.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng !
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.