Bồi thường thiệt hại khi tài sản bị xâm phạm
20/04/2017 17:18
Thưa Luật sư, cách đây khoảng gần 1 năm, gia đình hàng xóm sát nhà tôi xây nhà. Trong quá trình đào móng, phá đá, nhà hàng xóm đó đã làm cháy vào 2 chiếc xà chân và làm hỏng một phần tường trát xi măng của nhà tôi nhà tôi là nhà gỗ. Tuy nhiên, nhà đó làm ngơ như không có chuyện gì.
Hiện nay, nhà hàng xóm đã xây xong và có lấy xi măng quét lên tường nhà tôi, phù đất lên vùng bị cháy. Tuy nhiên, sau chuyện đó nhà hàng xóm luôn ghen ghét và thường xuyên nói xấu, bôi nhọ danh dự gia đình tôi. Gần đây, chủ nhà đó còn đứng trên tầng 2 đi tiểu sang nhà tôi. Điều đó gây mâu thuẫn giữa 2 nhà và làm ảnh hưởng đến khu phố.
Giờ tôi muốn yêu cầu nhà hàng xóm phải sửa lại nhà cho tôi thay xà và làm lại tường.
Xin hỏi: Tôi yêu cầu như vậy có hợp lý không? Nếu nhà hàng xóm không chịu sửa chữa, bồi thường thì tôi phải làm thế nào. Thủ tục ra sao? Nhà hàng xóm có phải chịu bồi thường không và bồi thường như thế nào?
Kính mong luật sư tư vấn cho tôi để gia đình tôi, xin trân trọng cảm ơn.
Theo quy định tại điều 584, 585 Bộ luật dân sự năm 2005:
"Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Theo quy định trên thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu nhà hàng xóm bồi thường thiệt hại gây ra cho gia đình bạn
Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Trong trường hợp trên, theo quy định thì gia đình bạn và gia đình hàng xóm trước tiên có thể thỏa thuận bồi thường theo quy định Khoản 1, Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2005. Nếu gia đình nhà hàng xóm không chịu bồi thường thiệt hại thì bạn có thể yêu cầu tòa an hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại điều 589 Bộ luật dân sự năm 2005:
"Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:
1. Tài sản bị mất;
2. Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;
4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.".
Ngoài ra, gia đình hàng xóm của bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Việc xử lý hành chính với vi phạm này thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã, phường nơi người vi phạm cư trú.
Nếu hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm mang tính chất nghiêm trọng thì tùy theo từng trường hợp, người vi phạm có thể bị truy cứ trách nhiệm hình sự về Tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự hoặc Tội Vu khống quy định tại Điều 122BLHS.
"Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".
Bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi của nhà hàng xóm để bảo vệ quyền lợi cho gia đình mình. Kèm theo đơn bạn phải xuất trình kèm theo các bằng chứng chứng cứ cho hành vi vi phạm đó để cơ quan điều tra xác minh làm rõ và có những biện pháp xử lý phù hợp. Ngoài ra, nếu có đủ căn cứ để cho rằng có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ thụ lý để giải quyết vụ án.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng.