Bồi thường thiệt hại khi bị chủ xe rơ mooc gây tai nạn ?
25/04/2017 14:43
Cách đây hơn 2 tháng (ngày 19/7/2016) ba em có đi đón người nhà đến chơi, đang trên đường dẫn về nhà khi đi qua con đường nhỏ gần nhà em thì bị húc vào 1 chiếc rờ moóc container đậu ngay cạnh tường rào của 1 công ty mà theo như em biết là cung đường đó không được phép đậu container.
Kính chào Luật Bảo Chính ! Cách đây hơn 2 tháng (ngày 19/7/2016) ba em có đi đón người nhà đến chơi, đang trên đường dẫn về nhà khi đi qua con đường nhỏ gần nhà em thì bị húc vào 1 chiếc rờ moóc container đậu ngay cạnh tường rào của 1 công ty mà theo như em biết là cung đường đó không được phép đậu container. Hiện trường em ghi lại được thì chiếc rờ moóc ấy đậu dưới 1 tán cây lớn và sơn màu đen dẫn đến quan sát khó vì khi ấy trời nắng to, ngoài ra phía trước hoặc sau rờ moóc không có đặt biển cảnh báo hoặc vật cảnh báo, cũng không bật đèn báo hiệu. Đồng thời khi đó tâm trạng và thể chất ba em hết sức bình thường không say xỉn. Sau khi ba em bị nạn và được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu, ba e bị rất nặng nên phải chuyển lên tới bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị. Tại đây ba em phải nằm điều trị suốt 3 tuần với những chuẩn đoán gẫy xương sườn, dập phổi, tràn dịch màng phổi, gãy 2 tay, gãy xương quay hàm. Nói chung là đa chấn thương, rồi sau đó được chuyển tiếp sang bệnh viện răng hàm mặt trung ương điều trị thêm 10 ngày nữa. Trong suốt thời gian trên có một người xuất hiện nhận là chủ của rờ moóc đến làm việc với gia đình em và hỗ trợ gia đình em 25.000.000vnd. Sau khi được xuất viện về nhà ba em còn phải đi tái khám thêm tất nhiều lần và hiện tại mới chỉ khôi phục được phần nào và vẫn còn rất yếu phải có người giúp đỡ trong sinh hoạt cá nhân. Gia đình em có mong muốn bên phía chủ rờ moóc cần phải hỗ trợ bồi thường nhiều hơn nên hẹn gặp để thương lượng nhưng bên phía chủ rờ moóc cứ ầm ờ cho qua và không muốn hợp tác. Hiện tại xe máy của ba em và chiếc rờ moóc đó đang được cảnh sát giao thông tại khu vực em tạm giữ.
Em xin hỏi luật sư trong trường hợp này ba em có lỗi gì không và bên phía chủ rờ moóc có phải bồi thường không? Nếu bên chủ rờ moóc không chịu bồi thường thì gia đình em có được quyền khiếu kiện chủ rờ moóc hay không? Mong luật sư giải đáp, em xin chân thành cảm ơn luật sư!
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến cho chúng tôi.
Về vấn đề bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
2, 3 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
"Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
2. Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.
3. Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép."
Việc 1 chiếc rờ moóc container đậu ngay cạnh tường rào của 1 công ty mà theo như bạn biết là cung đường đó không được phép đậu container. Hiện trường bạn ghi lại được thì chiếc rờ moóc ấy đậu dưới 1 tán cây lớn và sơn màu đen dẫn đến quan sát khó vì khi ấy trời nắng to, ngoài ra phía trước hoặc sau rờ moóc không có đặt biển cảnh báo hoặc vật cảnh báo, cũng không bật đèn báo hiệu. Như vậy, việc chiếu rờ moóc container đậu đó là hành vi bị nghiêm cấm.
Đỗ xe được hiểu là "là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian." (Khoản 2 Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008. Chiếc rờ moóc container chỉ được đỗ xe trên đường nếu tuân theo quy định tại Khoản 3,4 Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008 như sau:
"Điều 18. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ
3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;
g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
4. Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
a) Bên trái đường một chiều;
b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
c) Trên cầu, gầm cầu vượt;
d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;
g) Nơi dừng của xe buýt;
h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ."
Đặc biệt, khi đỗ xe trên đường phố cần tuân thủ quy định tại Điều 19 Luật giao thông đường bộ 2008 như sau:
"Điều 19. Dừng xe, đỗ xe trên đường phố
Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:
1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định."
Như vậy theo các quy định trên và thông tin bạn cung cấp thì ba bạn không có lỗi (vì khi đó tâm trạng và thể chất ba em hết sức bình thường không say xỉn). Đối với chủ xe rờ mooc container khi đỗ xe ở lề đường thì chủ xe rờ mooc container phải thực hiện theo các quy định về an toàn giao thông, như phải đỗ sát mép đường, khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy phải có biển báo báo hiệu nguy hiểm,... Nếu chủ xe rờ mooc container không tuân thủ các yêu cầu trên mà khiến người tham gia giao thông khác bị tai nạn thì lỗi thuộc về chủ xe rờ mooc container nên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, phải chịu trách nhiệm hình sự đồng thời phải bồi thường thiệt hại. Cụ thể:
Về trách nhiệm hình sự:
Hành vi đỗ xe trái quy định pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 như sau:
"Điều 203.Tội cản trở giao thông đường bộ
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ;
b) Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ;
c) Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ;
d) Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách;
đ) Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường;
e) Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ;
g) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ;
h) Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm."
Theo đó hành vi đỗ xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 203. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT như sau:
" Điều 4. Về tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 203 Bộ luật Hình sự)
2. Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự là hành vi sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép".
Đặc biệt, về thiệt hại xảy ra là yếu tố định tội được quy định tại Điều 2 của thông tư này như sau:
"Điều 2. Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt
1. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 2 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết một người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng."
Như vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ xe rờ mooc container sẽ phụ thuộc vào việc xác định mức độ thiệt hại về sức khỏe, tài sản mà ba bạn phải chịu. Nếu đủ các yếu tố theo quy định trên chủ xe rờ mooc containe hoàn toàn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Trong quá trình giải quyết vụ án, chủ xe rờ mooc containe có thể thỏa thuận với gia đình bạn về mức bồi thường thiệt hại hợp lý. Theo đó, việc bồi thường được thực hiện dựa trên một số nguyên tắc quy định tại Điều 605 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
"Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường."
Do sức khỏe ba bạn bị xâm phạm nên căn cứ Điều 609 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Như vậy, theo quy định trên thì mức bồi thường thiệt hại căn cứ vào các khoản chi phí trên do các bên thỏa thuận không quá ba mươi tháng tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Trong trường hợp bên chủ rờ moóc không chịu bồi thường thì gia đình bạn có quyền khiếu kiện chủ rờ moóc theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.