Bồi thường thiệt hại do vật nuôi gây ra. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm.
05/05/2017 12:03Trong trường hợp để nhiều vật nuôi gây thiệt hại đến tài sản người khác thì xử lý như thế nào? Luật sư tư vấn giúp em được không? Xử lý lỗi và bồi thường như thế nào?
Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Căn cứ Điều 625 Bộ luật dân sự quy định bồi thường thiệt hại khi vật nuôi, súc vật gây thiệt hại như sau:
“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;
4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Như vậy, khi súc vật hoặc vật nuôi gây thiệt hại cho người khác thì chủ sở hữu của vật nuôi, súc vật phải bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp do bên thứ ba có lỗi khiến súc vật gây thiệt hại cho người khác hoặc súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái phát luật gây thiệt hại thì người thứ ba hoặc người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Điều 606 Bộ luật dân sự quy định: chủ sở hữu, người thứ ba hoặc người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải thực hiện bồi thường bằng toàn bộ tài sản của mình khi đủ 18 tuổi trở lên, trong trường hợp người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ thì cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện bồi thường phần còn thiếu. Còn nếu người chưa thành niên dưới 15 tuổi thì bố mẹ của người này sẽ thực hiện bồi thường thiệt hại.
Điều 608 Bộ luật dân sự quy định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm:
“Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:
1. Tài sản bị mất;
2. Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;
4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.”
Như vậy, nếu như vật nuôi gây thiệt hại cho tài sản của người khác thì sẽ phải bồi thường theo quy định trên.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Công ty luật Bảo Chính!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.