Bồi thường khi gây tai nạn giao thông.
09/05/2017 16:52
Cháu xin chào luật sư. Cháu có một câu hỏi muốn được luật sư tư vấn. Hôm nay ngày 06/08/2016, vào thời điểm khoảng 14h bố cháu là bên A, đi làm từ nhà đến công ty bằng xe máy. Khi đi đến ngã rẽ xuống công ty, bố cháu xi nhan xuống ngã rẽ thì bên B có một xe đi với tốc độ 60km/h, không kiểm soát được đã đâm vào đít xe bố cháu và còn rất nhiều người ở công ty chứng kiến nữa. Vào khoảng thời gian từ 21h30 ngày 06/08/2016 người nhà xe máy bên B đến nhà cháu là bên A la hét om xòm, vào nhà không chào hỏi ai chỉ chân chỉ tay và cả hăm dọa gia đình cháu nữa. Bây giờ gia đình cháu rất hoang mang và lo sợ. Kính mong luật sư cho cháu lời giải để gia đình cháu yên tâm hơn.
Cháu xin chân thành cảm ơn.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin tư vấn.
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Thứ nhất, bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn giao thông:
Căn cứ Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Như vậy, cần xác định rõ lỗi sai khi xảy ra tai nạn giao thông, theo thông tin bạn trình bày thì bố bạn đi có xi nhan xuống ngã rẽ, được nhiều người gần đó làm chứng không vi phạm quy định về giao thông đường bộ. Phía bên kia lái xe quá tốc độ nên gây tai nạn giao thông, có thể thấy phía bên kia là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông tuy nhiên phải căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra hoặc cảnh sát giao thông về vụ tai nạn giao thông thì mới biết chính xác bên nào có lỗi.
Nếu sau khi có kết quả xác minh bố bạn là người không có lỗi mà người kia là người có lỗi gây ra tai nạn giao thông thì người đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bố bạn theo quy định của bộ luật dân sự.
Nếu bên B gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bố bạn, thì bên B có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự 1999:
"1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Thứ hai, đối với hành vi tới gia đình bạn hăm dọa:
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự 1999 về Tội gây rối trật tự công cộng:
"1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;
b) Có tổ chức;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm."
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi cho gia đình bạn thì gia đình bạn có quyền làm đơn tố cáo tại cơ quan công an nơi gia đình bạn đang cư trú về hành vi vi phạm của gia đình bên B.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp của luật sư khi gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.