Tiếng Việt English
Tổng Đài Tư Vấn1900 6281
Luật Bảo Chính http://tuvan.luatbaochinh.vn

TƯ VẤN HỢP ĐỒNG

19006281

Tranh chấp hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất. Giải quyết tranh chấp về thanh toán tiền mua bán quyền sử dụng đất.

27/04/2017 17:01
Câu hỏi:

Hai người đồng sở hữu tài sản tranh chấp chia tiền sau khi bán đất. Em có mua miếng đất của đồng sở hữu của 02 người, được gọi tắt là ông D và bà T (hai người không phải là vợ chồng) với giá 800 triệu. Ngày 28/05/2016 em và ông D làm hợp đồng đặt cọc tại VPCC với khoản tiền là 150 triệu, em có kèm điều kiện sau khi em có GCNQSDD mang tên em thì em sẽ trả nốt số tiền còn lại. Ngày 01/07/2016 ông D và bà T làm hợp đồng chuyển nhượng miếng đất tại VPCC cho em.
Ngày 01/08/2016 đã có GCNQSDD mang tên em. Đồng thời em cũng thanh toán, nhưng có vấn đề tranh chấp ở đây: Ông D muốn lấy hết số tiền còn lại là 650 triệu, sau đó sẽ đưa cho bà T vì hiện tại bà T đang sống ở nơi khác. Em liên hệ với bà T thì bà T nói em không được giao tiền khi không có sự hiện diện của bà T, bà T không có ký bất kỳ Giấy ủy quyền hay hợp đồng ủy quyền nào cho ông D, sau đó em gọi điện thoại cho ông D để phản ánh, ông D nói hợp đồng đặt cọc của ông làm thì phải đưa hết cho ông, còn chuyện chia lại tiền cho bà T, ông D sẽ giải quyết với bà T, đó không phải chuyện của em. Em có vài câu hỏi sau:
1. Em sẽ không đưa tiền cho ông D khi không có sự hiện diện và sự đồng ý của bà T có được không?
2. Nếu bà T và ông D hiện diện cùng lúc khi trao tiền, thì 02 người đó phải ký vào biên nhận giao tiền đúng hay sai? hay chỉ cần 01 người ký là được?
3. Nếu bà T yêu cầu em chuyển riêng số tiền thuộc phần đất của bà T thì có được không? Giấy tờ gồm có: 1/ Hợp đồng đạt cọc giữa em và ông D. 2/ Hợp đồng chuyển nhượng tài sản gồm có em, ông D và bà T? Em cám ơn Luật Sư.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:

Về hợp đồng đặt cọc:

Tại Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đặt cọc như sau:

“Điều 328. Đặt cọc

1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Theo đó, đặt cọc là để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Trường hợp của bạn có hợp đặt cọc là để đảm thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

- Tại Điều 430 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng mua bán tài sản như sau:

“Điều 430. Hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan”.

- Tại Điều 440 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả tiền đối với hợp đồng mua bán tài sản như sau:

“Điều 440. Nghĩa vụ trả tiền

1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

2. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

3. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này”.

- Đồng thời tại Điều 207 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về sở hữu chung như sau:

“Điều 207. Sở hữu chung và các loại sở hữu chung

1. Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản.

2. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất”.

Tại Điều 218 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về định đoạt tài sản chung như sau:

“Điều 218. Định đoạt tài sản chung

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.

Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

5. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

6. Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật này”.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, mảnh đất này thuộc sở hữu chung của ông D và bà T nên việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật. Đồng thời hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng giữa bạn, ông D và bà T. Bạn sẽ có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

Vì vậy, quyền sở hữu thuộc về ông D và bà T nên việc giao tiền phải có mặt của ông D và bà T nếu không có bất kỳ một sự thỏa thuận nào khác. Nếu bà T và ông D đều có mặt khi trả tiền, thì cả ông D và bà T đều phải ký vào biên nhận giao tiền. Nếu bà T yêu cầu bạn chuyển riêng số tiền thuộc phần đất của bà T thì vẫn được tuy nhiên phải được thể hiện rõ trong hợp đồng.

Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.