Những văn bản nào không được chứng thực?
17/06/2017 22:44
Những văn bản nào không được chứng thực? Những văn bản không được chứng thực khác do pháp luật quy định là những văn bản nào? Tôi thấy không có thông tư hướng dẫn cụ thể.
(Dinhvienduong…@gmail.com)
Công ty Luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ Điều 22 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định về bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao như sau:
“1. Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.
2. Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.
3. Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.
4. Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.
5. Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.
6. Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.”
Như vậy, những văn bản, giấy tờ trên không được chứng thực bản sao từ bản chính.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các văn bản, giấy tờ khác không được chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Nhưng từ thực tế và theo một số văn bản khác thì có một số giấy tờ, văn bản sau không chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP như sau:
1. Bản án của Tòa án:
Điều 269 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc Cấp trích lục bản án, bản án:
- Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên toà, các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện được Toà án cấp trích lục bản án.
- Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày tuyên án, Toà án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.
Với quy định trên thì việc sao bản án được thể hiện dưới hình thức trích lục và được thực hiện bởi cơ quan ra bản án là Tòa án. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng việc sao y bản án phải được thực hiện theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản án, hơn nữa quy định tại Điều 269 Bộ luật Tố tụng dân sự nêu trên không quy định rõ, bản án chỉ được trích lục bởi tòa án mà không được chứng thực bản sao từ bản chính. Nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều bàn cãi. Và trên thực tế thì việc sao bản án vẫn được thực hiện bởi tòa án dưới hình thức trích lục.
2. Hóa đơn, chứng từ tài chính:
Nghị định số 23/2015/NĐ-CP không quy định cụ thể về việc không được chứng thực hóa đơn, chứng từ tài chính nhưng so sánh với các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính thì UBND cấp xã và các cơ quan chứng thực theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP không có thẩm quyền chứng thực những loại giấy tờ này. Việc sao hóa đơn, chứng từ tài chính sẽ do cơ quan phát hành hóa đơn, chứng từ đó thực hiện theo quy định.
3. Văn bản là bản sao, như: Giấy khai sinh bản sao, giấy đăng ký kết hôn bản sao …. Những loại văn bản này đương nhiên không được chứng thực vì việc sao y phải được thực hiện từ bản chính.
Trên đây là một số ví dụ về văn bản không được chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Ngoài ra, có một số văn bản khác đang còn nhiều ý kiến trái ngược về việc có được chứng thực theo thủ tục quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP hay không, như: Hợp đồng, giao dịch dân sự ký kết giữa các cá nhân, tổ chức chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Những văn bản nào không được chứng thực?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!