Tiếng Việt English
Tổng Đài Tư Vấn1900 6281
Luật Bảo Chính http://tuvan.luatbaochinh.vn

TƯ VẤN HỢP ĐỒNG

19006281

Những loại hợp đồng phải được công chứng?

09/12/2016 10:44
Câu hỏi:

Luật sư cho tôi hỏi theo quy định của pháp luật thì những hợp đồng nào bắt buộc phải công chứng?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật Công chứng năm 2014, Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Như vậy Luật Công chứng không xác định cụ thể những trường hợp Hợp đồng nào phải công chứng vì các trường hợp bắt buộc phải công chứng được quy định tại các văn bản luật khác phù hợp với đối tượng của hợp đồng đó.

Đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất được Luật Đất đai năm 2013 quy định tại Khoản 3, Điều 167 như sau:

“a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;

d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.”

Đối với các giao dịch về Nhà ở thì phải được công chứng theo quy định tại Điều 122, Luật Nhà ở năm 2014 như sau:

1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.

2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

3. Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

4. Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.”

Hợp đồng đại lý hàng không được quy định tại Điều 125, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Văn bản phân chia tài sản chung, riêng của vợ chồng chỉ có giá trị pháp lý khi được công chứng, Hợp đồng về việc mang thai hộ phải được công chứng…

Bộ luật Dân sự năm 2005 xác định một số Hợp đồng, giao dịch phải được công chứng như hợp đồng thế chấp, Hợp đồng bảo lãnh, Di chúc, Văn bản khai nhận di sản thừa kế…

Do đối tượng của các Hợp đồng trong đời sống xã hội rất phong phú nên về cơ bản pháp luật chỉ quy định chung đối với các tài sản phải đăng ký thì những giao dịch đó phải được công chứng mới đảm bảo tính pháp lý cũng như được pháp luật bảo vệ.

Ngoài các trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải lập Hợp đồng công chứng mới có giá trị thì Luật Công chứng cũng quy định việc công chứng theo yêu cầu của các bên thực hiện giao dịch đó dù đối tượng của giao dịch không phải là những tài sản, nghĩa vụ… phải được công chứng. Đây là trường hợp tự nguyện yêu cầu công chứng.

Thực tiễn có những Hợp đồng, những giao dịch pháp luật không bắt buộc phải công chứng nhưng những bên tham gia Hợp đồng đó yêu cầu được công chứng thì Tổ chức hành nghề Công chứng vẫn thực hiện việc Công chứng. Ví dụ Hợp đồng vay tiền- chỉ cẩn bên vay, bên cho vay hoàn toàn tự nguyện, minh mẫn, không bị ai ép buộc hay đe dọa khi ký Hợp đồng thì đã đảm bảo giá trị pháp lý mà không bắt buộc phải công chứng nhưng các bên nếu có yêu cầu công chứng thì vẫn được công chứng như các trường hợp khác.
Thông thường khi đối tượng của Hợp đồng là bất động sản, tài sản phải đăng ký thì hình thức giao dịch được pháp luật bảo vệ khi văn bản đó được công chứng.

Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội về những loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.