Điều kiện phát sinh một hợp đồng dân sự
04/05/2017 16:24A sinh ngày 1/1/2000, ngày 1/1/2013 A lấy tivi nhà đi bán cho B với giá 5 triệu, hôm sau B lại bán cho C với giá 5.5 triệu. giữa A với B có tồn tại Hợp đồng dân sự không ? B với C có tồn tại hợp đồng dân sự không? Vì sao ?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Công ty luật Bảo Chính. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn giải đáp cho bạn như sau:
Thứ nhất, Điều 388 Bộ luật dân sự 2005 quy định : “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Một giao dịch được coi là hợp đồng dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Là sự thỏa thuận của hai hay nhiều bên trên cơ sở sự tự nguyện, bình đẳng.
+ Chủ thể phải là người có năng lực hành vi dân sự tại thời điểm giao kết.
+ Ít nhất một trong các bên tham gia quan hệ với mục đích phi thương mại.
+ Nội dung hợp đồng không được vi phạm pháp luật, đi ngược đạo đức xã hội.
Thứ hai, việc mua bán giữa A và B không làm phát sinh một hợp đồng dân sự.
Việc A bán cho B chiếc Ti vi với giá 05 triệu đồng tuy có thể thỏa mãn các điều kiện về tính tự nguyện, bình đẳng trong thỏa thuận và A cũng có thể không có mục đích thương mại khi tham gia giao dịch này.
Tuy nhiên, nguồn gốc pháp lý của chiếc Ti vi là đối tượng của giao dịch trong trường hợp này cần được xem xét. Theo thông tin bạn cung cấp, đây là Ti vi ở nhà A nên nhiều khả năng đây không phải là tài sản thuộc sở hữu của A, do đó việc A đem bán chiếc Ti vi này chỉ được coi là hợp pháp nếu có sự cho phép của chủ sở hữu nếu không thì hành vi này có thể là dấu hiệu cấu thành hành vi trộm cắp tài sản. Cùng với đó, tại thời điểm thực hiện giao dịch, A vừa tròn 13 tuổi, được xếp vào nhóm người chưa thành niên và Điều 20 Bộ luật dân sự 2005 quy định về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi như sau:
“1. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Vì giá trị giao dịch chiếc Ti vi là 05 triệu đồng không thể được coi là một giao dịch nhằm phục vụ sinh hoạt hàng ngày đối với một cậu bé vừa tròn 13 tuổi nên trong trường hợp này, giao dịch giữa A và B chỉ được pháp luật thừa nhận nếu có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của A mà thôi.
Do đó, có thể kết luận rằng chắc chắn giao dịch giữa A và B không làm phát sinh một hợp đồng dân sự.
Thứ ba, với những thông tin bạn cung cấp thì không đủ căn cứ để kết luận giao dịch giữa B và C có làm phát sinh môt hợp đồng dân sự.
Để giao dịch này có thể làm phát sinh một hợp đồng dân sự thì:
+ Việc mua bán giữa B và C phải hoàn toàn dựa trên sự thỏa thuận một cách tự nguyện, bình đẳng.
+ B và C là những chủ thể có năng lực hành vi dân sự tại thời điểm thực hiện giao dịch, họ phải có khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi của mình cũng như chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
+ Một trong hai bên phải tham gia giao dịch với mục đích phi thương mại: C mua chiếc Ti vi về để sử dụng hoặc B bán chiếc Ti vi vì mục đích cá nhân…
+ Chiếc Ti vi mà C nhận chuyển nhượng có thể bị coi là tài sản do phạm tội mà có nên khi mua chiếc Ti vi từ B, C phải hoàn toàn không biết về nguồn gốc thật sự của chiếc Ti vi.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc nghe luật sư tư vấn trực tiếp vui lòng gọi 19006281.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.