Tiếng Việt English
Tổng Đài Tư Vấn1900 6281
Luật Bảo Chính http://tuvan.luatbaochinh.vn

TƯ VẤN HỢP ĐỒNG

19006281

Điều khoản quan trọng của Hợp đồng mua bán?

17/09/2016 11:55
Câu hỏi:

Em làm kế toán cho Công ty nên được giao soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác nhưng em khổng hiểu rõ Hợp đồng mua bán hàng hóa cần các điều khoản nào?
Xin luật sư tư vấn cho em về các điều khoản quan trong trong hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai công ty.

Trả lời:
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa cụ thể với từng mặt hàng thì phần mô tả hàng hóa sẽ khác. Tuy nhiên về cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa cần phải có những điều khoản nhất định như sau:
a) Điều khoản định nghĩa:
Điều khoản định nghĩa được sử dụng để giải thích các từ, cụm từ được sử dụng nhiều lần trong hợp đồng hoặc cần có cách hiểu thống nhất giữa các bên hoặc các ký hiệu viết tắt.
b) Điều khoản công việc:
Những công việc này không những cần xác định một cách rõ ràng mà còn phải xác định rõ: cách thức thực hiện, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của người trực tiếp thực hiện công việc, kết quả sau khi thực hiện dịch vụ.
c) Điều khoản tên hàng:
Tên hàng là nội dung không thể thiếu được trong tất cả các hợp đồng mua bán hàng hóa. Để thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng và hạn chế tranh chấp phát sinh, tên hàng cần được xác định một cách rõ ràng. Hàng hoá thường có tên chung và tên riêng.
Lưu ý: Không phải tất cả các loại hàng hoá đều được phép mua bán trong thương mại mà chỉ có những loại hàng hoá không bị cấm kinh doanh mới được phép mua bán.
Ngoài ra đối với những hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện, việc mua bán chỉ được thực hiện khi hàng hoá và các bên mua bán hàng hoá đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật
d) Điều khoản chất lượng hàng hoá:
Chất lượng hàng hoá kết hợp cùng với tên hàng sẽ giúp các bên xác định được hàng hoá một cách rõ ràng, chi tiết. Trên thực tế, nếu điều khoản này không rõ ràng thì rất khó thực hiện hợp đồng và rất dễ phát sinh tranh chấp.
Nói chung chất lượng sản phẩm, hàng hoá được thể hiện thông qua các chỉ tiêu kỹ thuật và những đặc trưng của chúng. Muốn xác định được chất lượng hàng hoá thì tuỳ theo từng loại hàng hoá cụ thể để xác định, dựa vào các chỉ tiêu về cơ lý, các chỉ tiêu về hoá học hoặc các đặc tính khác của hàng hoá đó.
Trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa cũng cần phải xác định khối lượng hàng hóa cụ thể làm căn cứ xác định giá trị của Hợp đồng, thể hiện mặt lượng của hàng hoá trong hợp đồng, nội dung cần làm rõ là: đơn vị tính, tổng số lượng hoặc phương pháp xác định số lượng.
Đối với hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thì cần phải quy định cụ thể cách xác định số lượng và đơn vị đo lường bởi hệ thống đo lường của các nước là có sự khác biệt.
e) Điều khoản giá cả:
Các bên khi thoả thuận về giá cả cần đề cập các nội dung sau: đơn giá, tổng giá trị và đồng tiền thanh toán. Về đơn giá có thể xác định giá cố định hoặc đưa ra cách xác định giá giá di động. Giá cố định thường áp dụng với hợp đồng mua bán loại hàng hoá có tính ổn định cao về giá và thời hạn giao hàng ngắn. Giá di động thường được áp dụng với những hợp đồng mua bán loại hàng giá nhạy cảm (dễ biến động) và được thực hiện trong thời gian dài.
f) Điều khoản thanh toán:
Phương thức thanh toán là cách thức mà các bên thực hiện nghĩa vụ giao, nhận tiền khi mua bán hàng hoá. Căn cứ vào đặc điểm riêng của hợp đồng, mối quan hệ, các điều kiện khác mà các bên có thể lựa chọn một trong ba phương thức thanh toán sau đây cho phù hợp:
Phương thức thanh toán trực tiếp: khi thực hiện phương thức này các bên trực tiếp thanh toán với nhau, có thể dùng tiền mặt, séc hoặc hối phiếu. Các bên có thể trực tiếp giao nhận hoặc thông qua dịch vụ chuyển tiền của Bưu Điện hoặc Ngân hàng. Phương thức này thường được sử dụng khi các bên đã có quan hệ buôn bán lâu dài và tin tưởng lẫn nhau, với những hợp đồng có giá trị không lớn.
Lưu ý: Việc thanh toán trực tiếp trong các hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các thương nhân Việt Nam với nhau hoặc với cá nhân, tổ chức khác trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được sử dụng đồng tiền Việt Nam, không được sử dụng các đồng tiền của các quốc gia khác theo quy định của Pháp lệnh quản lý ngoại hối 2005.
g) Điều khoản phạt vi phạm:
Phạt vi phạm là một loại chế tài do các bên tự lựa chọn, nó có ý nghĩa như một biện pháp trừng phạt, răn đe, phòng ngừa vi phạm hợp đồng, nhằm nâng cao ý thức tôn trọng hợp đồng của các bên. Khi thoả thuận các bên cần dựa trên mối quan hệ, độ tin tưởng lẫn nhau mà quy định hoặc không quy định về vấn đề phạt vi phạm.
Mức phạt thì do các bên thoả thuận, có thể ấn định một số tiền phạt cụ thể hoặc đưa ra cách thức tính tiền phạt linh động theo % giá trị phần hợp đồng vi phạm.
Theo Luật Thương mại 2005 (Điều 301) thì về mức phạt vi phạm của các bên bị hạn chế: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”.
Do vậy, các bên khi thoả thuận về mức phạt phải căn cứ vào quy định của Luật Thương Mại để lựa chọn mức phạt trong phạm vi từ 8% trở xuống, nếu các bên thoả thuận mức phạt lớn hơn thì phần vượt quá được coi là vi phạm pháp luật và không có hiệu lực.
h) Điều khoản bất khả kháng:
Bất khả kháng là sự kiện pháp lý nảy sinh ngoài ý muốn chủ quan của các bên, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng đã ký. Đó là các sự kiện thiên nhiên hay chính trị xã hội như: bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, núi lửa, chiến tranh, bạo động, đình công, khủng hoảng kinh tế.
Đây là các trường hợp thường gặp làm cho một hoặc cả hai bên không thể thực hiện được hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ của mình. Khi một bên vi phạm hợp đồng do gặp sự kiện bất khả kháng thì pháp luật không buộc phải chịu trách nhiệm về tài sản không bị phạt vi phạm, không phải bồi thường thiệt hại.
Trên thực tế, nếu không thoả thuận rõ về bất khả kháng thì rất dễ bị bên vi phạm lợi dụng bất khả kháng để thoái thác trách nhiệm dẫn đến thiệt hại cho bên bị vi phạm.
i) Điều khoản giải quyết tranh chấp:
Đối với việc lựa chọn giải quyết tại Trọng tài hay tại Toà án thì thoả thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể:
Trường hợp thứ nhất: 
Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các thương nhân với các tổ chức, cá nhân khác không phải là thương nhân khi có tranh chấp thì do Toà án có thẩm quyền giải quyết. Các bên không thể lựa chọn Trọng tài để giải quyết theo thủ tục Trọng tài tại các Trung tâm trọng tài thương mại.
Trường hợp thứ hai:
 Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa thương nhân với thương nhân khi có tranh chấp thì các bên có quyền lựa chọn hình thức giải quyết tại Trọng tài hoặc tại Toà án; nếu có sự tham gia của thương nhân nước ngoài thì các bên còn có thể lựa chọn một tổ chức Trọng tài của Việt Nam hoặc lựa chọn một tổ chức Trọng tài của nước ngoài để giải quyết.
Khi các bên lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thì thoả thuận phải nêu đích danh một tổ chức Trọng tài cụ thể.
Riêng đối với hợp đồng mua bán hàng hoá giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài thì các bên còn phải quan tâm đến việc lựa chọn luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp là: luật của bên mua, luật của bên bán hay luật quốc tế (các công ước quốc tế? Đây là vấn đề hết sức quan trọng, để tránh những thua thiệt do thiếu hiểu biết pháp luật của nước ngoài hay pháp luật quốc tế thì thương nhân Việt Nam nên chọn luật Việt Nam để áp dụng cho hợp đồng thương mại.
Như vậy: Nội dung của hợp đồng hoàn toàn do các bên thoả thuận và quyết định cho phù hợp với những điều kiện hoàn cảnh, loại hàng hoá, dịch vụ cụ thể; tuy nhiên, những thoả thuận đó phải không vi phạm các điều cấm của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi.
Chúc bạn mạnh khỏe và thành công!

Để mời luật sư tư vấn luật và tham gia giải quyết các vụ án quý khách liên hệ trực tiếp với chúng tôi địa chỉ Phòng 308, Tòa nhà số 8, Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Hoặc nghe luật sư tư vấn trước những nội dung liên quan khi gọi tới Tổng đài tư vấn luật 19006281 của Công ty luật Bảo Chính.
Trân trọng./.
Công ty luật Bảo Chính.