Chứng thực di chúc trong trường hợp người lập di chúc hủy bỏ di chúc đã lập trước đó
20/04/2017 15:20
Ông Trần Mạnh Đức năm nay 76 tuổi. Năm 2002, do nhận thấy sức khoẻ giảm sút nên ông đã lập di chúc để lại một số tài sản cho ba người con là Trần Mạnh Hiếu, Trần Thị Hạnh và Trần Mạnh Thọ. Di chúc này đã được Phòng Công chứng chứng nhận. Trong quá trình từ khi lập di chúc cho đến nay, trong quan hệ giữa ông Đức và người con là Trần Mạnh Hiếu có xích mích, ông cho rằng anh Hiếu đối xử không tốt với mình nên ông Đức không muốn cho anh Hiếu được thừa kế tài sản của ông sau khi chết. Vì vậy, ông muốn huỷ bỏ di chúc cũ và lập di chúc mới để tước quyền hưởng thừa kế của anh Hiếu. Ông đến Uỷ ban nhân dân thị trấn nơi thường trú để chứng thực di chúc đó. Uỷ ban nhân dân thị trấn có thể giải quyết yêu cầu của ông Đức không?
Gửi bởi: TAP
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn hỏi Công ty luật Bảo Chính tư vấn cho bạn như sau:
Đây là trường hợp một người đã lập di chúc, di chúc này đã được Phòng Công chứng chứng nhận nay muốn huỷ bỏ toàn bộ di chúc đó, lập di chúc mới tại Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Tại điểm b khoản 1 Điều 24 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP có quy định Uỷ ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực di chúc và tại khoản 5 Điều 50 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP quy định “việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc có thể được công chứng, chứng thực tại bất kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực nào”.
Như vậy, mặc dù trước đây ông Đức đã lập di chúc và di chúc đó đã được Phòng Công chứng chứng nhận nhưng nay ông muốn lập di chúc mới và huỷ bỏ di chúc cũ thì ông có thể yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã nơi thường trú để yêu cầu chứng thực di chúc.
Về thủ tục, trình tự thực hiện chứng thực
- Cán bộ tư pháp - hộ tịch của Uỷ ban nhân dân thị trấn đề nghị ông Đức nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm có các loại giấy tờ sau:
+ Phiếu yêu cầu chứng thực (ghi theo mẫu tại Uỷ ban nhân dân thị trấn);
+ Bản sao Giấy chứng minh nhân dân của ông Đức;
+ Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong trường hợp tài sản mà ông Đức để thừa kế là tài sản mà pháp luật quy định là phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
(Đối với các giấy tờ đã nộp bản sao nêu trên, cán bộ tư pháp - hộ tịch phải yêu cầu các bên giao kết hợp đồng xuất trình bản chính để đối chiếu).
- Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ nêu trên, cán bộ tư pháp - hộ tịch ghi vào sổ chứng thực hợp đồng, giao dịch và thực hiện các việc sau:
+ Xác định về trạng thái tinh thần của ông Đức, nếu nghi ngờ ông Đức không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc xét thấy việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép thì từ chối chứng thực;
+ Yêu cầu ông Đức tuyên bố nội dung di chúc và ghi chép lại nội dung di chúc đó; cần lưu ý đây là trường hợp chứng thực huỷ bỏ toàn bộ di chúc nên nếu thấy cần thiết, cán bộ tư pháp - hộ tịch có thể đề nghị ông Đức nêu rõ di chúc này thay thế cho di chúc nào đã lập trước đó;
+ Đọc lại nội dung di chúc cho ông Đức nghe hoặc yêu cầu ông Đức tự đọc lại di chúc, nếu ông Đức đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong di chúc thì đề nghị ông Đức ký vào di chúc trước mặt mình;
+ Ghi lời chứng và trình Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị trấn ký chứng thực di chúc đó.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.