Xác định giá trị tài sản để kê biên thi hành án
29/03/2017 14:59Tôi có thắc mắc muốn hỏi Luật sư: Trước khi kê biên tài sản thì Chấp hành viên phải ước lượng giá trị tài sản kê biên. Vậy đâu là cơ sở để ước lượng giá trị tài sản phải kê biên? Trong khi Chấp hành viên chỉ được thẩm định giá tài sản sau khi đã kê biên? Ví dụ khi đã kê biên, tiến hành thẩm định giá, tài sản kê biên chỉ đủ để đảm bảo nghĩa vụ nợ đảm bảo thế chấp ngân hàng, còn phần tiền nợ theo bản án thì không còn tiền để thanh toán thì chi phí kê biên, thẩm định giá,… ai phải chịu?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 125/2013/NĐ-CP của Chính phủ “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự”
"Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; đề nghị của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp.
Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án."
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về việc xác định tài sản tương ứng với với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết trước khi kê biên tài sản. Vì vậy, Chấp hành viên cần tính toán, ước lượng về giá trị tài sản đó trên cơ sở khả năng phán đoán của mình từ việc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, giá cả thị trường tại thời điểm đó và các yếu tố cần thiết khác để xác định giá của tài sản. Sau khi kê biên mới tiến hành định giá tài sản để xác định giá khởi điểm. Sau khi bán đấu giá mới xác định được giá của tài sản đã kê biên. Do đó, Chấp hành viên phải cân nhắc để quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đối với tài sản cầm, thế chấp, Chấp hành viên có thể căn cứ vào giá đã thẩm định tài sản của bên nhận cầm cố, thế chấp; khoản tiền vay và lãi phải trả; sự biến động về giá của tài sản cầm cố, thế chấp… để xác định giá của tài sản và chỉ được kê biên khi có đủ căn cứ và điều kiện quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự năm 2015.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết.
Chúc bạn mạnh khỏe và thành công!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại... xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.