Tư vấn thu tiền của người được thi hành án để nộp tiền án phí ?
20/04/2017 23:00Quyết định thi hành án buộc ông Nguyên Văn A phải tháo dỡ toàn bộ tài sản nằm trên phần đất 100m2 thuộc tờ bản đồ số 7B, số thửa 125A để trả ông Nguyễn Văn H và ông H có nghĩa vụ nộp tiền hỗ trợ để ông A phá dỡ là 20.000.000đ. Ngày 15/10/2011 ông Nguyễn Văn H có đơn yêu cầu thi hành án và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện T đã ra quyết định thi hành án hai khoản trên và ông H đã tự nguyện nộp số tiền 20.000.000đ tại cơ quan thi hành án. Quá trình giải quyết việc thi hành án đến ngày 05/3/2012 ông H có đơn không yêu cầu chi cục thi hành án phải thi hành khoản phá dỡ công trình, rút đơn yêu cầu thi hành án Chi cục Thi hành án huyện T đã ra quyết định đình chỉ phần phá dỡ và ông H xin được rút lại số tiền 20.000.000đ đã nộp. Vậy Chi cục thi hành án huyện T có trả lại số tiền trên cho ông H không? Cơ sở pháp lý nào? Hiện ông A không nhận tiền và cũng không có ý kiến gì về khoản tiền trên? Hiện ông A đang phải thi hành khoản tiền án phí là 22.000.000đ nhưng không nộp, cơ quan thi hành án huyện T có khấu trừ số tiền trên sang án phí được không?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn như sau:
Nếu nội dung vụ việc đúng như bạn nêu, thì ông H vừa là người được thi hành án, vừa là người phải thi hành án, nhưng quyền và nghĩa vụ đã được phân định rõ ràng, độc lập nhau.
Nghĩa vụ phải thi hành án của ông H là nộp tiền hỗ trợ để ông A phá dỡ là 20.000.000 đồng. Ông H đã làm đơn yêu cầu thi hành án và tự nguyện nộp số tiền 20.000.000 đồng. Trong trường hợp này, trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày thu tiền thi hành án, cơ quan thi hành án phải tiến hành chi trả cho các đối tượng được thi hành án theo thứ tự quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự, thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22 tháng 09 năm 2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và có biện pháp xử lý các khoản tiền, tồn đọng theo các hình thức đối với những khoản tiền đã báo gọi nhưng đương sự chưa đến nhận hoặc chưa xác định được địa chỉ của người nhận, hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo mà đương sự không đến nhận, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm 01 tháng cho đến khi đương sự đến nhận tiền. Cơ quan thi hành án phải mở sổ theo dõi ghi thông tin về sổ tiết kiệm cùng với tên người được thi hành án, tên bản án, tên quyết định thi hành án. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự. Trường hợp hết thời hạn 05 năm kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không đến nhận thì cơ quan thi hành án làm thủ tục chuyển nộp số tiền đó vào Ngân sách Nhà nước. Cơ quan thi hành án mở tài khoản tại ngân hàng để gửi đối với khoản tiền gửi không đủ điều kiện để lập sổ tiết kiệm.
Do đó, số tiền 20.000.000 đồng ông H nộp trả ông A là của ông A, cơ quan thi hành án không trả ông H. Ông A phải thi hành khoản tiền án phí là 22.000.000 đồng nhưng không tự nguyện thi hành án, thì cơ quan thi hành án có quyền thu số tiền 20.000.000 đồng để thi hành khoản án phí của ông A và cần thông báo chi tiết, cụ thể cho ông A biết.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.