Tư vấn thống nhất thời gian khấu trừ tiền thu nhập để thi hành án ?
15/04/2017 09:27Theo quy định tại phần 3, mục 3.1, điểm a của công văn số 5847/BHXH-BC ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc khấu trừ tiên lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng của người hưởng để thi hành án dân sự thì: “BHXH huyện phải làm việc cụ thể và thống nhất bằng văn bản với cơ quan thi hành án dân sự về số tiền khấu trừ lương hàng tháng; thời gian khấu trừ (thời gian bắt đầu và thời gian thực hiện xong khấu trừ) của từng đối tượng...”. Trường hợp này thì mốc thời gian cuối cùng để tính khoản lãi suất chậm thi hành án là thời điểm nào? Vì khi thi hành xong các khoản phải thi hành án thì thời gian có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm, mà cơ quan BHXH lại yêu cầu cơ quan thi hành án phải có văn bản thống nhất về “thời gian thực hiện xong khấu trừ”. Vậy có được lấy thời điểm ra quyết định cưỡng chế bằng hình thức khấu trừ trên là thời mốc thời gian cuối để tính lãi suất hay không? Rất mong nhận được câu trả lời sớm của trang tin. Chân thành cảm ơn!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn như sau:
Lãi suất chậm thi hành án là một khoản thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án. Cách xác định thời điểm và cách tính lãi phát sinh do chậm thi hành án hiện nay căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005, Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997, Công văn số 165/KHXX ngày 18/10/2007 của Tòa án nhân dân tối cao và Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố mức lãi suất cơ bản cho từng thời điểm. Lãi suất chậm thi hành án được tính theo từng loại việc như sau: Kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp chủ động thi hành) và từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án (trường hợp thi hành theo đơn yêu cầu) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chưa thi hành án. Khi tính lãi chậm thi hành án chỉ tính lãi của số tiền còn phải thi hành án, mà không tính lãi của số tiền chưa trả trong quá trình thi hành án.
Do vậy, trong trường hợp bạn hỏi, về nguyên tắc lãi chậm thi hành án phải được tính toán chi trả đối với từng định kỳ thi hành án tại thời điểm cơ quan thi hành án thu được tiền theo quyết định khấu trừ lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng của người phải thi hành án, vì thế không phải bất kỳ trường hợp nào cũng có thể xác định cụ thể, chính xác tuyệt đối thời gian thực hiện xong khấu trừ, nên không thể lấy thời điểm ra quyết định cưỡng chế bằng hình thức khấu trừ là thời mốc thời gian cuối để tính lãi suất chậm thi hành án.
Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự có thể thống nhất cụ thể với Bảo hiểm xã hội về số tiền khấu trừ lương hàng tháng, thời gian bắt đầu khấu trừ của từng đối tượng. Đối với “thời gian thực hiện xong khấu trừ”, thì tùy trường hợp cụ thể để thống nhất, ví dụ: chỉ khấu trừ 03 tháng là đủ toàn bộ tiền thi hành án, kể cả lãi chậm thi hành án, thì cơ quan thi hành án thống nhất với Bảo hiểm xã hội huyện thời gian thực hiện xong khấu trừ là hết tháng thứ ba kể từ thời điểm khấu trừ. Trường hợp vụ việc khấu trừ kéo dài nhiều năm, chưa biết cụ thể thời điểm kết thúc do có thể có thay đổi (như: do người phải thi hành án thay đổi nơi nhận tiền lương hưu, trợ cấp hoặc thay đổi mức hưởng tiền lương hưu, trợ cấp), thì cơ quan thi hành án dân sự cần thống nhất với Bảo hiểm xã hội về “thời gian thực hiện xong khấu trừ” khi người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc khi có thay đổi theo thông báo của cơ quan thi hành án.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.