Tư vấn thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới?
18/04/2017 08:59
Tôi có vay tiền của một số người, tổng cộng là 3,2 tỉ. Trong đó, vì thương vợ bị xiết nợ nên chồng tôi có kí vào 2 giấy vay nhận tiền, tổng cộng là 1,6 tỉ; các giấy tờ vay nợ khác chồng tôi không kí. Tòa dân sự đã tuyên:
- Buộc vợ chồng tôi phải trả 3,2 tỉ đồng (chồng tôi phải liên đới chịu trách nhiệm theo điều 25 Luật Hôn nhân gia đình là 1,6 tỉ);
- Nếu chưa trả, hàng tháng phải chịu lãi suất quá hạn của ngân hàng.
Do làm ăn thua lỗ, tôi đã phải bán tất cả tài sản do vợ chồng tôi làm ra trong thời kì hôn nhân để trả nợ, hàng tháng tôi vẫn trả tiền cho đội thi hành án theo thu nhập của tôi. Tuy nhiên, đội thi hành án đã kê biên mảnh đất mà mẹ chồng tôi đã cho riêng chồng tôi, đứng tên một mình chồng tôi. Ngôi nhà trên đất mẹ chồng tôi chưa cho vì bà vẫn đang ở đó. Bạn tôi có xây 4 gian nhà trên đất này từ năm 2005 đến nay để cho thuê trọ, lợi nhuận thu được bạn tôi và mẹ chồng tôi được hưởng.
Tôi muốn hỏi:
- Chồng tôi phải dùng tài sản của mình để trả nợ riêng của tôi là đúng hay sai? Mảnh đất của chồng tôi giá trị lớn hơn khoản nợ riêng của chồng tôi gấp nhiều lần, thì cơ quan thi hành án kê biên toàn bộ hay một phần mảnh đất (đây là chỗ ở duy nhất của gia đình tôi)?
- Đội thi hành án kê biên toàn bộ mảnh đất và tất cả tài sản có trên đất (gồm 1 căn nhà mẹ chồng tôi xây, hiện vẫn đang ở và 4 căn nhà bạn tôi xây) để thi hành khoản nợ riêng của tôi là đúng hay sai?
- Việc phát mại tài sản của mẹ chồng tôi và bạn tôi để trả nợ cho tôi là đúng hay sai? - Nếu chồng tôi không đồng ý với quyết định của đội thi hành án thì phải gửi đơn khiếu nại tới đâu? Thủ tục như thế nào? Cơ quan nào thụ lý và giải quyết?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn như sau:
1. Về trách nhiệm liên đới trong thi hành án dân sự:
Theo nội dung bà trình bày thì chồng bà thương bà nên đã đồng ý ký giấy vay nợ, bản án của Tòa án đã tuyên: Buộc vợ chồng bà phải trả 3,2 tỉ đồng (chồng bà phải liên đới chịu trách nhiệm theo Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình là 1,6 tỉ đồng); nếu chưa trả, hàng tháng phải chịu lãi suất quá hạn của ngân hàng. Như vậy, chồng bà có trách nhiệm liên đới cùng bà phải thi hành án đối với khoản tiền nêu trên.
Căn cứ quy định tại Điều 298 Bộ luật Dân sự thì nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình. Trong trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.
Trong việc thi hành án dân sự đối với nghĩa vụ liên đới, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự và Khoản 1 Điều 2, Điều 5 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự: Trường hợp thi hành quyền, nghĩa vụ liên đới thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới. Trường hợp có nhiều người phải thực hiện nghĩa vụ liên đới thì nếu người được thi hành án yêu cầu một hoặc một số người trong những người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ liên đới thi hành toàn bộ nghĩa vụ thì cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với người đó.
Trường hợp bản án, quyết định của Toà án mà theo đó nghĩa vụ liên đới không xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, thì cơ quan thi hành án yêu cầu một hoặc một số người có điều kiện thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới. Trường hợp bản án, quyết định của Toà án mà theo đó nghĩa vụ liên đới xác định rõ phần của từng người và họ đều có điều kiện thi hành án, thì cơ quan thi hành án yêu cầu mỗi người thực hiện phần nghĩa vụ của mình. Nếu người có nghĩa vụ liên đới không có điều kiện thi hành án, thì cơ quan thi hành án yêu cầu những người có điều kiện thi hành án thực hiện thay phần nghĩa vụ của người đó. Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định tại Điều 298 của Bộ luật Dân sự.
Do đó, nếu bà không có tài sản để thi hành án, thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản của chồng bà để đảm bảo thi hành toàn bộ nghĩa vụ liên đới của chồng bà và bà là có cơ sở pháp luật.
2. Về phạm vi xử lý tài sản để thi hành án:
Về nguyên tắc, cơ quan thi hành án dân sự chỉ được kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án tương ứng với số tiền phải thi hành án và chi phí về thi hành án. Do đó, nếu tài sản của chồng bà có giá trị lớn hơn khoản nợ riêng của chồng bà và của bà (toàn bộ nghĩa vụ liên đới) gấp nhiều lần mà có thể tách rời được, thì cơ quan thi hành án chỉ được phần tài sản tương ứng với số tiền phải thi hành án và chi phí về thi hành án. Tuy nhiên, nếu tài sản đó không thể tách rời hoặc tách ra sẽ làm mất hoặc giảm đáng kể giá trị của tài sản thì cơ quan thi hành án có quyền kê biên, xử lý toàn bộ tài sản để đảm bảo thi hành án.
3. Về việc phát mại tài sản của mẹ chồng bà và bạn bà để trả nợ cho bà là đúng hay sai?
Nếu mẹ chồng bà và bạn bà không đồng ý thì cơ quan thi hành án không được phát mại tài sản của mẹ chồng bà và bạn bà để trả nợ cho bà và chồng bà. Tuy nhiên, mẹ chồng bà và bạn bà phải chứng minh được tài sản đó là của mình.
Khi cơ quan thi hành án kê biên tài sản, mẹ chồng bà và bạn bà cho rằng tài sản đó là của mình hoặc có chung tài sản thì căn cứ Điều 174, 175 Luật Thi hành án dân sự và khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Tòa án gải quyết như sau: Thủ tục giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phát sinh trong quá trình thi hành án thuộc thẩm quyền của Toà án theo khoản 4 Điều 179 Luật Thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản theo quy định của pháp luật, trường hợp có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án chỉ xử lý tài sản khi có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
4. Về việc không đồng ý đối với quyết định của Đội thi hành án ?
Hiện nay, Đội thi hành án dân sự đã được đổi thành Chi cục Thi hành án dân sự. Vì thế, nếu chồng bà không đồng ý với quyết định của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thì có quyền khiếu nại đến Cục trưởng cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi có Chi cục Thi hành án dân sự đó hoặc khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết tranh chấp tài sản, xác định, phân chia phần tài sản theo quy định tại Điều 174, 175 Luật Thi hành án dân sự và khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC nêu trên.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.