Ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án
22/04/2017 10:40
Ngày 06/3/2014, Tòa án nhân dân huyện xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án khoản thu nộp ngân sách nhà nước. Ngày 10/3/2014, Tòa án chuyển quyết định miễn giảm theo khoản 4 Điều 63 Luật Thi hành án dân sự (án chưa có hiệu lực pháp luật). Đến ngày 07/4/2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với khoản tiền thu nộp ngân sách nhà nước đã được Tòa án miễn giảm. Viện kiểm sát huyện kiến nghị cho rằng Chi cục Thi hành án dân sự huyện chậm ra quyết định đình chỉ theo khoản 2 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự. Hỏi:
1. Viện kiểm sát kiến nghị có đúng không?
2. Cơ quan thi hành án có phải tự tính thời gian quyết định có hiệu lực hay chờ Tòa án chuyền giao quyết định có hiệu lực (chuyển lần 2) thì mới ra quyết định đình chỉ thi hành án theo khoản 2 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự.
3. Nếu cơ quan thi hành án phải tự tính thời gian có hiệu lực của quyết định thì căn cứ vào thời gian nào để tính (khoản 1 Điều 64 quy định Viện kiểm sát cấp trên có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định miễn giảm).
4 Cơ quan thi hành án dân sự có phải tính thời gian quyết định của Tòa án có hiệu lực không?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn như sau:
1. Theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 63 và Điều 64 Luật Thi hành án dân sự thì phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án do một Thẩm phán chủ trì, có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm. Khi tiến hành xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, đại diện cơ quan thi hành án dân sự trình bày tóm tắt hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm; đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của đại diện của Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, Thẩm phán ra quyết định chấp nhận, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, Toà án phải gửi quyết định đó cho người được xét miễn, giảm thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, trại giam, trại tạm giam nơi người được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đang chấp hành hình phạt tù.
Quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Tòa án có thể bị Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Hết thời hạn kháng nghị, Viện kiểm sát không kháng nghị thì quyết định của Toà án có hiệu lực thi hành.
2. Như vậy, cơ quan thi hành án dân sự phải tham gia phiên họp xét miễn, giảm thi hành án và biết quyết định của Tòa án về việc có hay không cho miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án có hiệu lực trong thời hạn luật định, tức là có thể là 15 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp nhận được quyết định miễn, giảm. Thế nhưng, Toà án phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Vì thế quyết định miễn, giảm thi hành án có thể sẽ có hiệu lực sau 15 ngày hoặc sau 15 ngày + 5 ngày làm việc nếu không có kháng nghị của Viện kiểm sát.
Cơ quan thi hành án dân sự cần phải tính toán thời gian để thực hiện việc thi hành án theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản nộp ngân sách nhà nước. Căn cứ quyết định có hiệu lực của Toà án về việc miễn thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đã lập hồ sơ phải ra quyết định đình chỉ thi hành phần nghĩa vụ thi hành án được miễn. Trường hợp Toà án quyết định cho giảm một phần nghĩa vụ thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự đã lập hồ sơ phải ra quyết định đình chỉ thi hành phần nghĩa vụ thi hành án được giảm và tiếp tục thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước còn lại. Đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước không được Toà án quyết định cho miễn, giảm, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tiếp tục tổ chức thi hành án. Trường hợp hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm bị Toà án trả lại do thực hiện không đúng thủ tục, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm hoàn thiện lại hồ sơ để chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét trong kỳ xét miễn, giảm gần nhất. Thời hạn ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ thi hành án
3. Vì thế, ngày 06/3/2014, Tòa án nhân dân huyện xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án khoản thu nộp ngân sách nhà nước. Ngày 10/3/2014, Tòa án chuyển quyết định miễn, giảm theo khoản 4 Điều 63 Luật Thi hành án dân sự. Nếu không có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân, đến ngày 07/4/2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với khoản tiền thu nộp ngân sách nhà nước đã được Tòa án miễn giảm là chậm so với thời gian quy định. Tuy nhiên, thời gian chậm ra quyết định đình chỉ thi hành không nhiều, lại còn cần thời gian tìm hiểu thông tin Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có kháng nghị hay không và vẫn trong tháng 4/2014, do đó cơ quan thi hành án dân sự cần trao đổi lại với Viện kiểm sát nhân dân huyện nhưng cũng cần rút kinh nghiệm để kịp thời hơn trong việc ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp Tòa án xét miễn, giảm thi hành án.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.