Không nhận hồ sơ ủy thác thi hành án có đúng không?
02/04/2017 16:22Tôi ly hôn chồng năm 2007. Theo quyết định của bản án chồng tôi phải đóng góp phí tổn nuôi con chung mổi tháng 200.000 đồng, kể từ tháng 5/2007 cho đến khi con tôi tròn 18 tuổi (con tôi sinh năm 2004. Bản án có hiệu lực tôi làm đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan THA thụ lý và tổ chức thi hành cho tôi, sau một thời gian thi hành cơ quan THA vẫn không thu được khoản tiền nào. Qua xác minh được biết chồng tôi đã vào trú tại huyện H, tỉnh ở miền Nam, ở địa phương không để lại tài sản gì. Cơ quan thi hành án đã ủy thác vào thi hành án huyện H. Cơ quan THA huyện H đã thụ lý và tiếp tục thi hành cho tôi, sau một thời gian đến năm 2010, qua xác minh cơ quan THA huyện H biết chồng tôi trở về địa phương cũ, không để lại tài sản gì tại huyện H, nên đã ủy về cơ quan THA ban đầu và thông báo cho tôi. Tôi đến làm việc với cơ quan THA nơi tòa án xử ban đầu thi họ cho biết trường hợp này họ không nhận ủy thác lại và họ đã làm công văn kèm theo hồ sơ đề nghị cơ quan THA huyện H trả đơn theo quy định. Như vậy, cơ quan THA nơi tòa án xử ban đầu không nhận hồ sơ ủy thác của cơ quan THA huyện H có đúng không và cơ quan THA huyện H trả đơn lại cho tôi có đúng không? Trân trọng cảm ơn
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 51 Luật Thi hành án dân sự thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:
a) Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án;
b) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình;
c) Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án;
d) Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thoả thuận khác.
Tại khoản 1 Điều 55 Luật Thi hành án dân sự quy định: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở.
Khoản 2 Điều 57 Luật Thi hành án dân sự quy định: Cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác không được trả lại quyết định ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác mà phải tiếp tục thực hiện việc thi hành án theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quyết định ủy thác có sự nhầm lẫn, sai sót rõ ràng về thẩm quyền của cơ quan nhận ủy thác thi hành án, nội dung thi hành án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác về việc nhận được quyết định ủy thác.
Căn cứ quy định nêu trên, nếu nội dung vụ việc đúng như bà nêu, cơ quan thi hành án ban đầu đã ủy thác vào cơ quan thi hành án huyện H ở một tỉnh miền Nam. Cơ quan thi hành án huyện H đã thụ lý và tiếp tục thi hành cho bà, sau một thời gian đến năm 2010, qua xác minh cơ quan thi hành án huyện H biết chồng bà trở về địa phương cũ, không để lại tài sản gì tại huyện H, nên đã ủy về cơ quan thi hành án ban đầu và thông báo cho bà là có cơ sở (có tài liệu xác định chồng bà đã trở về địa phương cũ) mặc dù không có căn cứ xác định chồng bà có tài sản ở địa phương cũ. Cơ quan thi hành án huyện H đã ủy thác trở lại cho cơ quan thi hành án nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm (là nơi chồng bà trở về địa phương), nhưng cơ quan thi hành án này không nhận hồ sơ ủy thác của cơ quan thi hành án huyện H và trả lại hồ sơ ủy thác cho cơ quan thi hành án huyện H là không có căn cứ. Cơ quan thi hành án huyện H ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho bà cũng không phù hợp với Điều 51 Luật Thi hành án dân sự vì chưa có cơ sở khẳng định khi trả đơn chồng bà không có tài sản tại địa phương nơi trở về. Như vậy, cả hai cơ quan thi hành án đều làm chưa đúng, chưa bảo đảm chặt chẽ về căn cứ, tuy nhiên có thể nói việc làm chưa đúng của cơ quan thi hành án huyện H có phần do việc làm chưa đúng của cơ quan thi hành án nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm.
Lẽ ra, trong trường hợp này, cơ quan thi hành án nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm (ban đầu) nhận ủy thác (pháp luật hiện nay không cấm việc ủy thác trở lại khi có căn cứ ủy thác) ra quyết định thi hành án và tiến hành xác minh, nếu có căn cứ xác định không xác định được địa chỉ của chồng bà hoặc chồng bà đã trở về địa phương nhưng không có tài sản tại địa phương và cùng với căn cứ kết quả thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự huyện H để ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho bà. Cách thức làm này đảm bảo chặt chẽ về thủ tục thi hành án, trả lại đơn có căn cứ và thể hiện sự phối hợp, không đùn đầy trách nhiệm thi hành án giữa các cơ quan thi hành án dân sự, góp phần giải quyết án tồn đọng trong toàn Ngành thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, mặc dù hai cơ quan thi hành án thực hiện chưa đúng thủ tục thi hành án, nhưng nếu chồng bà không có tài sản tại địa phương nơi đã trở về, thì quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án do cơ quan thi hành án huyện H ban hành cần được chấp nhận. Do đó, khi chồng bà có điều kiện thi hành (bà phát hiện được tại địa phương nơi chồng bà trở về hoặc nơi khác) thì bà có quyền yêu cầu thi hành bản án tại cơ quan thi hành án nơi chồng bà có tài sản (kể cả cơ quan thi hành án nơi Tòa án đã xét xử ban đầu hoặc nơi khác có tài sản của chồng bà, vì thẩm quyền thi hành án khi đã trả đơn không phụ thuộc vào địa giới hành chính) trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật Thi hành dân sự, kể từ ngày phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn quan tâm, nếu còn vướng mắc bạn có thể hỏi tiếp hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết.
Chúc bạn mạnh khỏe và thành công!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại... xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.