Đề nghị Toà án xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án ?
19/04/2017 11:15Ngày 10/01/2012, Toà án nhân huyện S ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bằng biện pháp cấm chuyển dịch tài sản là nhà-đất tại địa chỉ A của ông H và cơ quan thi hành án huyện S đã thực hiện xong Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Qua hai cấp xét xử Toà án cấp sơ và phúc thẩm đều tuyên duy trì áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo thi hành nghĩa vụ (nợ tiền) của ông H đối với bà V. Khi hai bản án có hiệu lực pháp luật, bà V có đơn yêu cầu thi hành án và được Chi cục Thi hành án huyện S thụ lý thi hành; trong quá trình giải quyết, Chi cục Thi hành án huyện S đang lập thủ tục cưỡng chế kê biên tài sản là nhà-đất (có giấy hồng) tại địa chỉ A của ông H thì ông K đến Chi cục thi hành án huyện S xuất trình hợp đồng tặng cho tài sản là nhà-đất tại địa chỉ A mà ông H đã cho ông K (có công chứng của Phòng công chứng ngày 08/10/2011 nhưng ông chưa đăng ký sang tên) và trình bày từ trước đến nay ông không hề biết việc Toà án đã làm gì đối với nhà-đất ông H đã cho mình, cho đến khi nghe có người nói ông H nợ bà V và cơ quan thi hành án sắp kê biên nhà-đất trên thì ông mới biết. Vậy, Chi cục Thi hành án huyện S phải làm thế nào?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn như sau:
Trong trường hợp này, Toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản là nhà đất tại địa chỉ A của ông H nên cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án này là có cơ sở pháp luật.
Bản án sơ thẩm và phúc thẩm sau đó của Toà án tuyên tiếp tục duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này, vì thế cơ quan thi hành án xem xét việc xử lý tài sản đã bị Toà án cấm dịch chuyển để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, khi xử lý tài sản phải bảo đảm đúng điều kiện tài sản được quyền chuyển dịch để thi hành án.
Trong vụ việc này, bà V có đơn yêu cầu thi hành án và được Chi cục Thi hành án huyện S thụ lý thi hành. Trong quá trình giải quyết, Chi cục Thi hành án dân sự huyện S đang lập thủ tục cưỡng chế kê biên tài sản là nhà đất (có giấy hồng) tại địa chỉ A của ông H thì ông K đến Chi cục thi hành án huyện S xuất trình hợp đồng tặng cho tài sản là nhà đất tại địa chỉ A mà ông H đã cho ông K (có công chứng của Phòng công chứng ngày 08/10/2011 nhưng ông chưa đăng ký sang tên). Do đó, cơ quan thi hành án dân sự cần xác định rõ thời điểm chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai và theo quy định tại khoản 4 Điều 146 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai: “Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất”. Khoản 5 Điều 93 Luật Nhà ở có quy định: “Quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua, bên nhận tặng cho, bên thuê mua, bên nhận đổi nhà ở kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở giữa cá nhân với cá nhân”.
Như vậy, việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của ông H đã chuyển nhượng cho ông K trước khi có bản án của Tòa án nhưng chưa làm thủ tục sang tên căn cứ vào các văn bản pháp luật nêu trên.
- Đối với phần nhà ở, theo quy định của pháp luật thì phần nhà ở mà ông H cho ông K theo hợp đồng tặng cho đã được công chứng trước khi có bản án sơ thẩm thì quyền sở hữu nhà ở này được chuyển cho ông K trước khi có bản án sơ thẩm nên không có căn cứ để cơ quan thi hành án kê biên, xử lý phần nhà ở đó.
- Đối với quyền sử dụng đất, khi có bản án nhưng chưa đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó chưa có hiệu lực pháp luật, nên vẫn bị kê biên để thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
Vì thế, khi kê biên tài sản, nếu ông K cho rằng đó là tài sản của ông K thì cơ quan thi hành án dân sự cần giải thích cho ông K biết về quyền đề nghị Toà án xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản theo quy định tại Điều 75, 179 Luật Thi hành án dân sự, khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và khoản 7 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi năm 2010): “Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”. Trên cơ sở kết quả giải quyết của Toà án xác định tài sản nêu trên là của người phải thi hành án hay của ông K, cơ quan thi hành án xử lý việc thi hành án theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.