Có thu phí thi hành án trong giai đoạn tự nguyện không?
21/04/2017 09:14
Ngày 15/6/2010 Cục Thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của tôi đòi ông A phải trả 200 triệu. 10 ngày sau ông A được chấp hành viên mời lên làm việc, ông A có yêu cầu cho ông đến ngày 30/8/2010 sẽ thanh toán hết nợ, chấp hành viên ghi nhận trong Biên bản làm việc và nói với ông A sẽ hỏi ý kiến của tôi có đồng ý không. Ngày 05/07/2010 ông A đã thanh toán tiền cho tôi bên ngoài, không thông qua Cục THA, sau đó ông A yêu cầu tôi phải thông báo với cơ quan thi hành án vì đã ra công văn ngăn chặn nhà của ông A làm ông không bán được. Chấp hành viên yêu cầu tôi phải đóng tiền phí thi hành án là 3% của 200 triệu.
Vậy chấp hành viên thu phí là đúng hay sai?
Tôi không đồng ý vì theo Thông tư 68/2008/TTLT-BTC-BTP có quy định khi chưa có QĐ cưỡng chế thi hành án mà tôi rút đơn thi hành án thì không phải chịu phí. Nhưng chấp hành viên cho rằng Thông tư 68 đã hết hiệu lực, được thay thế bằng NĐ 58/2009/NĐ-CP, chỉ cần 2 bên có thanh toán là do chấp hành viên tác động nên phải thu. Theo tôi, Thông tư 68/2008/TTLT-BTC-BTP chỉ hết hiệu lực 1 phần ở khoản 2.5% thôi, còn các điều khoản khác vẫn có hiệu lực. Tôi có phải đóng phí không? Căn cứ theo quy định nào?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn như sau:
Luật Thi hành án dân sự không quy định việc cơ quan thi hành án ra công văn ngăn chặn nhà như trường hợp đối với ông A mà bạn nêu, mặc dù có quy định các biện pháp bảo đảm thi hành án.
Về phí thi hành án dân sự, tương tự Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ, Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ có quy định về phí thi hành án, nhưng không quy định cụ thể, mà giao cho Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính quy định cụ thể. Do vậy, mặc dù Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Nghị định số 173/2004/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành do có Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, nhưng những quy định của Thông tư liên tịch số 68/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 21/7/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án không trái với Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ vẫn có hiệu lực thi hành, theo đó có quy định tại điểm d khoản 2 mục II Thông tư liên tịch số 68/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 21/7/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp “nếu người được thi hành án có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án trước khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì cơ quan thu phí không thu phí thi hành án”.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết, chính xác nhất
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư tham gia vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.