Xe máy cho mượn được đối tượng dùng để trộm cắp tài sản thì xử lý như thế nào?
06/07/2017 15:49
Xe máy cho mượn được đối tượng dùng làm phương tiện trộm cắp tài sản thì xử lý như thế nào?
A mượn xe máy của B và dùng xe này làm phương tiện cướp tài sản của C.
1. Xác định tư cách pháp lý của B trong vụ án hình sự.
2. Giả sử A đang bán tài sản mà mình đã cướp được cho D thì bị bắt. Xác định A bị bắt trong trường hợp nào?
3. Xác định tư cách pháp lý của D trong vụ án hình sự.
4. Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm Thẩm phán E, Hội thẩm G và H. Tại phiên tòa, trước khi bắt đầu xét hỏi, A đề nghị thay đổi G với lý do G có quan hệ thân thích với H. Khi biểu quyết, E đồng ý, nhưng G và H không đồng ý thay đổi G. Nêu hướng giải quyết của Tòa án?
Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho bạn như sau: 1. Tư cách pháp lý của B trong vụ án hình sự được xác định như sau:
- Nếu B cố ý cung cấp phương tiện phạm tội: Bị can, bị cáo.
- Nếu B cho mượn ngay thẳng: Người có quyền lợi liên quan đến vụ án.
2. A bị bắt khẩn cấp theo khoản 1 Điều 81 BLTTHS
“1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:
a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.”
Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
- Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;
- Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 80 BLTTHS.
Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn.
Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp quy định tại Điều 81 BLTTHS. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt.
3. Tư cách pháp lý của D trong vụ án hình sự được xác định như sau:
- Nếu D biết tài sản mà A bán cho mình do phạm tội mà có thì D sẽ tham gia với tư cách là bị can, bị cáo trong vụ án.
- Nếu D không biết tài sản mà A bán cho mình do phạm tội mà có thì D sẽ tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
4. Hội đồng xét xử không thay đổi Hội thẩm nhân dân G, bảo lưu ý kiến của E vì theo quy định tại Điều 17 BLTTHS thì: Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi “Xe máy cho mượn được đối tượng dùng làm phương tiện trộm cắp tài sản thì xử lý như thế nào?”, nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục hỏi hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Trân trọng!”