Trong tố tụng hình sự, giám đốc thẩm, tái thẩm có phải là một cấp xét xử không?
05/04/2017 10:07Cho tôi hỏi giám đốc thẩm, tái thẩm có phải là một cấp xét xử trong tố tụng hình sự không?
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Điều 20 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quy định về việc thực hiện chế độ hai cấp xét xử như sau:
“1. Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.
2. Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.”
Như vậy, theo quy định của điều luật này, việc xét xử được thực hiện ở hai cấp là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Tái thẩm và giám đốc thẩm chỉ là 2 thủ tục đặc biệt trong tố tụng chứ không phải là cấp xét xử. Những thủ tục này chỉ được áp dụng trong các trường hợp đặc biệt. Cụ thể:
- Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án (Điều 272 Bộ luật tố tụng hình sự 2003).
- Tái thẩm là thủ tục được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó. (theo Điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự 2003).
Cấp xét xử là hình thức tổ chức tố tụng. Cấp xét xử và thủ tục xét xử là hai khái niệm khác nhau, nhưng chúng có quan hệ mật thiết với nhau. Theo nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chứ không phải là thủ tục nối tiếp của cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Tái thẩm, giám đốc thẩm không phải là cấp xét xử. Về nguyên tắc, sau khi vụ án đã xét xử xong ở cấp phúc thẩm thì bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, để những người tham gia tố tụng thực hiện trọn vẹn các quyền của mình, pháp luật tố tụng quy định quyền được khiếu nại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đề nghị Tòa án cấp trên xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Điều đó khác với việc những người tham gia tố tụng làm đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án. Hai thuật ngữ “xét xử lại” và “xét lại” đã trả lời cho sự khác nhau của hai thủ tục tố tụng.
Vậy trong tố tụng hình sự, giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Bảo Chính về nội dung bạn đang thắc mắc. Nếu còn điều gì chưa rõ, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được giải đáp, hoặc nghe luật sư tư vấn, vui lòng gọi 19006281.
Chúc bạn thành công!
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia các vụ án hình sự, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ trên.