Trách nhiệm hình sự trong phòng vệ chính đáng, không chính đáng
12/04/2017 09:05
Tôi đang chơi ở quán nước với nhiều người, anh A người có men rượu tới quán chơi và bóp cổ tôi gây nghẹt thở, tôi với chụp một chai nước khoáng gần đó đập vào đầu anh A, làm cho đầu anh A bị trầy xước, rồi tôi bỏ về nhà, anh A chạy theo tới nhà hăm dọa sẽ giết tôi, tôi sợ nên không ra, sau đó anh A gọi báo công an đến làm việc và mình thì đến bệnh viện khâu lại vết thương. Trong trường hợp này bản thân tôi sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào.
Nhờ luật sư tư vấn giúp cho. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ theo Điều 15 Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định về Phòng vệ chính đáng như sau:
"1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Theo như tình huống bạn đưa ra, anh A trong người đang có men rượu đã ra tay bóp cổ bạn gây nghẹt thở và bạn đã lấy chai nước đập vào đầu anh A làm cho anh A bị trầy xước. Hành vi này của bạn được coi là tương xứng với hành động của A trong phạm vi phòng vệ (anh A có hành vi bóp cổ bạn gây nghẹt thở).
Tuy nhiên bạn đã gây thương tích trên người anh A, do bạn không nói rõ nguyên nhân dẫn đến sự tấn công của anh A, hoàn cảnh lúc đó như thế nào, mức độ trầy xước của anh A là bao nhiêu nên cần xác định việc phòng vệ của bạn là có chính đáng hay không:
– Nếu là phòng vệ chính đáng thì căn cứ theo khoản 1 Điều 15 nói trên, bạn không phải là tội phạm và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự
– Nếu là phòng vệ không chính đáng/vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bạn sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự với tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Căn cứ theo Điều 106 Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:
"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.”
Ngoài ra bạn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường cho anh A theo quy định tại Điều 613 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định về Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:
"1. Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
2. Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”
Vậy nếu là phòng vệ chính đáng thì bạn không phải bồi thường, còn nếu là không chính đáng/vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bạn phải bồi thường cho người bị hại.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.