Tội lợi dụng chức quyền tham ô tài sản?
12/04/2017 09:14
Chủ tịch xã chỉ đạo kế toán lập chứng từ mở hội nghị khống 03 năm liền lấy được số tiền 70 triệu đồng từ chương trình nông nghiệp của xã. Số tiền trên trước thủ quĩ giữ trong két, sau đó chủ tịch yêu cầu đưa chủ tịch giữ cá nhân 01 năm, khi có đơn tố cáo mới đem nộp vào tài khoản của xã.
Hành vi của chủ tịch phạm tội tham ô chưa? Kế toán có bị xử lý gì không?
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Căn cứ theo Điều 278 Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định về Tội tham ô tài sản như sau:
"2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Theo như bạn trình bày, chủ tịch xã chỉ đạo kế toán lập chứng từ mở hội nghị khống 03 năm liền lấy được số tiền 70 triệu đồng từ chương trình nông nghiệp của xã. Mặc dù Chủ tịch xã đã nộp lại số tiền vào tài khoản của xã tuy nhiên vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội tham ô tài sản bởi tội tham ô tài sản đã hoàn thành, việc trả lại tiền đã tham ô chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho chủ tịch xã.
Kế toán là người thực hiện hành vi lập chứng từ mở hội nghị khống được coi là đồng phạm theo quy định tại Điều 20 Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định về Đồng phạm – với vai trò là người giúp sức giúp cho người phạm tội tham ô tài sản như sau:
"1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.”
Như vậy, Chủ tịch xã bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội tham ô tài sản, kế toán bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội tham ô tài sản với vai trò là đồng phạm.
Căn cứ theo Điều 53 Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định về Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm như sau:
"Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Toà án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.”
Như vậy trong trường hợp này cả chủ tịch xã và kế toán đều phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô tài sản và kế toán với vai trò là 1 đồng phạm. Việc quyết định hình phạt đối với đồng phạm sẽ được tòa án đưa ra dựa trên tính chất và mức độ tham gia của đồng phạm.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho trường hợp bạn hỏi. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn chi tiết chính xác nhất.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.