Tội cố ý gây thương tích. Giám định tỷ lệ thương tật khi có yêu cầu của người tham gia tố tụng.
10/04/2017 17:15Cách đây 6 tháng em có bị một nhóm thanh niên gồm 5 người đánh em gây thương tích 33% (xếp loại tạm thời) gia đình của 5 người trên đã đến và bồi thường cho em số tiền là 120.000.000 đồng. Em có viết giấy cho 5 nhà trên. Khi xét xử sơ thẩm xong thì cả em và nhà bị cáo có làm đơn kháng án xin giảm nhẹ cho các bị cáo. Ở phiên tòa phúc thẩm em đã xin tòa án cho em đi giám định lại và tòa án đã đồng ý, nhưng đến hôm nay em lại nhận được giấy báo của tòa là đến tòa để xét xử vụ án trên. Em không hiểu lý do tại sao mà tòa án lại không cho em đi giám định lại nữa. Nếu 5 gia đình kia khiếu nại bắt em phải trả lại tiền đền bù thì em có phải trả tiền đền bù lại không. Vì trước đó em có viết giấy nếu sau này gia đình bị cáo có yêu cầu tôi đi giám định lại thì tôi sẽ làm theo yêu cầu của gia đình bị cáo.
Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn đến Công ty Luật Bảo Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Về nội dung bạn quan tâm, Công ty Luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Điều 159 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có quy định về việc Giám định bổ sung hoặc giám định lại như sau:
"1. Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó.
2. Việc giám định lại được tiến hành khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại phải do người giám định khác tiến hành.
3. Việc giám định bổ sung hoặc giám định lại được tiến hành theo thủ tục chung quy định tại các điều 155, 156, 157 và 158 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003."
Điều 158, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có quy đinh về Quyền của bị can và những người tham gia tố tụng đối với kết luận giám định như sau:
"1. Sau khi đã tiến hành giám định, nếu bị can, những người tham gia tố tụng khác yêu cầu thì cơ quan đã trưng cầu giám định phải thông báo cho họ về nội dung kết luận giám định.
Bị can, những người tham gia tố tụng khác được trình bày những ý kiến của mình về kết luận giám định, yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Những việc này được ghi vào biên bản.
2. Trong trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không chấp nhận yêu cầu của bị can, những người tham gia tố tụng khác thì phải nêu rõ lý do và thông báo cho họ biết."
Như vậy, việc giám định lại được tiến hành trên cơ sở yêu cầu của người tham gia tố tụng và khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc tiến hành giám định này không phụ thuộc vào thỏa thuận giữa bạn và những gia đình kia.
Kết luận giám định lại tỷ lệ tương tật của bạn nhằm xác định lại một cách chính xác tỷ lệ thương tật của bạn phục vụ cho việc giải quyết vụ án trên ở cấp phúc thẩm.
Đối với số tiền 120.000.000 mà 5 gia đình của bạn bồi thường cho bạn có thể coi là khoản bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi gây thương tích gây ra cho bạn nhằm bù đắp những thiệt hại cho bạn theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Do đó theo quy định của pháp luật bạn không phải trả lại khoản tiền này.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Bảo Chính về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, bạn hãy gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn!
Chúc bạn may mắn và thành công!
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.