Tính tổng giá trị tài sản (các tội xâm phạm quyền sở hữu) của các lần phạm tội
28/03/2017 09:25Việc tính tổng giá trị tài sản (các tội xâm phạm quyền sở hữu) của các lần phạm tội để làm căn cứ xử lý theo khung tăng nặng được tính như thế nào (ví dụ theo điểm e Khoản 2 Điều 138 “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng” và có thể áp dụng thêm điểm g Khoản 1 Điều 48 “phạm tội nhiều lần” được hay không? (Nguyễn Quang Huy)
Về nội dung bạn đang thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời như sau:
Khoản 5 Phần II Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 về việc hướng dẫn một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” quy định:
Trong những lần phạm tội mà mỗi lần phạm tội dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS (dưới 2 triệu đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích...) đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:
a. Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
b. Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính
c. Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới mức 2 triệu đồng.
Trong các trường hợp này nếu chỉ căn cứ vào các hành vi xâm phạm cùng loại này thì không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” (Điểm g Khoản 1 Điều 48 BLHS) và cũng không áp dụng tình tiết định khung hình phạt “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại khoản 2 của điều luật tương ứng quy định về tội phạm tương ứng đó.
Như vậy, nếu nhiều lần vi phạm mà mỗi lần chưa đủ cấu thành tội phạm, chỉ khi cộng nhiều lần vi phạm mới đủ cấu thành tội phạm; đồng thời phải thỏa mãn một trong các điều kiện tại mục a, b, c nêu trên thì không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”.
Ngược lại, nếu nhiều lần phạm tội mà mỗi lần đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì lấy tổng giá trị tài sản để xem xét thuộc khoản nào và áp dụng thêm tình tiết “phạm tội nhiều lần”.
Trên đây là nội dung trả lời của Công ty luật Bảo Chính cho câu hỏi của bạn. Nếu còn vướng mắc, bạn có thể tiếp tục thông tin cho chúng tôi để được tư vấn, hoặc gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn.
Chúc bạn luôn mạnh khỏe!
Trân trọng.
Gọi 19006281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trong trường hợp quý khách muốn mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.