Thủ tục kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm?
12/04/2017 09:27
Thưa Luật sư! Vừa qua, cháu tôi bị TAND huyện xử phạt hai năm tù về tội cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa, vị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị với Hội đồng xử án xử phạt cháu tôi từ 2 – 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Trong phần tranh luận trước Tòa, vị luật sư bào chữa cho cháu tôi cũng đã nêu lên hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội của cháu và nêu các tình tiết giảm nhẹ cũng như đề nghị Tòa án xử phạt án treo. Cuối cùng, Tòa án vẫn xét xử 2 năm tù giam cháu tôi lúc phạm tội chỉ mới 16 năm 2 tháng tuổi, lúc xét xử vừa đúng 16 tuổi rưỡi.
Với tư cách là người giám hộ, tôi muốn chống án lên Tòa án cấp trên xét xử lại nhẹ hơn. Tôi nghe nói, chống án thì Tòa án cấp trên có thể sẽ xử nặng hơn. Vì ở nơi tôi cư trú cũng đã có trường hợp chống án bị xử nặng hơn, xin chỉ dẫn giùm tôi.
Cảm ơn Luật sư!
Công ty luật Bảo Chính, Đoàn luật sư Hà Nội cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thông tin xin tư vấn.
Về nội dung bạn thắc mắc, Công ty luật Bảo Chính trả lời cho bạn như sau:
Theo thông tin mà bạn cung cấp thì TAND cấp huyện đã ra bản án sơ thẩm đối với cháu bạn và cháu bạn phải chịu hình phạt là hai năm tù về tội cố ý gây thương tích. Trường hợp bạn muốn chống án lên Tòa án cấp trên thì bạn có thể tự mình làm đơn kháng cáo gửi TAND cấp phúc thẩm hoặc bạn có thể viết đơn đề nghị gửi đến Viện kiểm sát để Viện kiểm sát kháng nghị theo quy định tại Điều 233 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về thủ tục kháng cáo và kháng nghị như sau:
"Điều 233. Thủ tục kháng cáo và kháng nghị
- Người kháng cáo phải gửi đơn đến Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Ban giám thị trại tạm giam phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo.
Người kháng cáo cũng có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xử sơ thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo đó theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.
- Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị bằng văn bản, có nêu rõ lý do. Kháng nghị được gửi đến Tòa án đã xử sơ thẩm.”
Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý về thời hạn kháng cáo để tránh kháng cáo quá hạn mà không có lý do chính đáng:
"Điều 234. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị
- Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
- Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án.
- Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám thị trại tạm giam nhận được đơn.”
Sau khi đơn kháng cáo của bạn được chấp nhận, TA cấp phúc thẩm sẽ tiến hành xem xét lại Bản án sơ thẩm có kháng cáo. Nếu như Viện Kiểm sát không kháng nghị bản án sơ thẩm theo hướng nặng hơn; người bị hại, đại diện hợp pháp của người bị hại không kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo…) thì Tòa án cấp phúc thẩm xét xử y án sơ thẩm hoặc giảm nhẹ hình phạt, nghĩa là không xấu hơn tình trạng của bị cáo.
Trân trọng!
Gọi 1900 6281 để nghe luật sư tư vấn nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất các quy định của pháp luật hoặc đặt lịch tư vấn luật trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Bảo Chính (P308, Tòa nhà số 8, Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Trường hợp quý khách có nhu cầu mời luật sư bào chữa, luật sư tham gia vụ án hình sự xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ trên.